Mục tiêu cụ thể về nước thải công nghiệp và đô thị là: 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; phấn đấu 50% đô thị loại IV trở lên, 100% khu dân cư mới và các khu/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Về chất thải rắn, đến năm 2030, toàn bộ lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển và xử lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. 100% rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; tất cả các hộ gia đình ở đô thị phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; 80% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý hợp vệ sinh môi trường.
Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh tăng cường các nguồn lực như tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới quan trắc và phân tích môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên. Ðồng thời, đẩy mạnh hoạt động thẩm định và quản lý sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; lồng ghép thực hiện bảo vệ môi trường trong tất cả các chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh.
★ Gia Lai nhân rộng các mô hình bảo vệ an ninh trật tự
Những năm qua, Công an tỉnh Gia Lai đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo huy động các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Ðến nay, toàn tỉnh có 92 mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, 78 mô hình thuộc nhóm mô hình mục tiêu, khẩu hiệu, liên kết do lực lượng công an các địa phương phối hợp quần chúng nhân dân xây dựng; 14 mô hình khác thuộc nhóm mô hình tổ chức quần chúng tự quản an ninh trật tự. Các mô hình rất đa dạng, phong phú, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng; được tập trung triển khai ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc khu vực có nguy cơ vi phạm pháp luật cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại để rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình bảo đảm an ninh trật tự; đồng thời nghiên cứu và phát triển các mô hình mới phù hợp từng địa bàn, đối tượng; xây dựng và tổ chức tập huấn chuyên sâu cho lực lượng trực tiếp hướng dẫn thực hiện các mô hình, nhất là công an xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách để có căn cứ pháp lý cho hoạt động của các mô hình này.