Hậu Giang phát huy hiệu quả các công trình thích ứng biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang chú trọng đầu tư xây dựng nhiều công trình thích ứng biến đổi khí hậu. Các công trình này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong sinh hoạt đời sống, giúp sản xuất theo hướng ổn định, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh dài hơn 70km.
Tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh dài hơn 70km.

Ðến nay, Hậu Giang đã đầu tư 27 công trình trọng điểm phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Hạ tầng thủy lợi đã được xây dựng khép kín đạt tiêu chí số 03 xã nông thôn mới (đê bao, cống, nạo vét kênh), hình thành 915 vùng thủy lợi khép kín, có diện tích từ 30-100 ha/vùng, tổng kinh phí thực hiện gần 822,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 25%. Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi được thực hiện theo quy hoạch các tiểu vùng, trong đó ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao, kết hợp với đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt để chủ động trong sản xuất.

Ngoài ra, bằng nguồn vốn của ngân sách trung ương và đối ứng của địa phương, tỉnh cũng đã đầu tư nhiều công trình ứng phó biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Hệ thống đê bao Long Mỹ-Vị Thanh (giai đoạn 1 và 2); hệ thống cống ngăn mặn Nam kênh Xà No (giai đoạn 1 và 2); cống Hậu Giang 3 huyện Long Mỹ; xây dựng hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang… với tổng mức đầu tư hơn 1.473,7 tỷ đồng.

Ông Bùi Quốc Thịnh ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ kể: Trước đây việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn vì không có đường giao thông, chủ yếu di chuyển bằng ghe, xuồng. Hằng năm, người dân lo mặn xâm nhập từ Biển Tây theo sông Cái Lớn dẫn vào sông Nước Ðục. Thiệt hại nặng nhất là vào năm 2016, nồng độ mặn có nơi gần 20‰ , tới cây khóm (dứa) còn chịu không nổi nói gì đến cây ăn trái khác và cây lúa. Từ năm 2019, khi dự án đê bao Long Mỹ-Vị Thanh hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân ai cũng rất vui mừng. "Với mặt đường tuyến đê rộng 3,5m, chỉ cần một cú điện thoại là có xe tải, xe taxi đến tận nhà. Chưa kể giá cả bán khóm cũng cao hơn, thay vì trước đây phải mất 500 đồng/trái khóm để vận chuyển bằng ghe ra lộ lớn để bán cho thương lái", ông Thịnh quả quyết.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, trước đây, người dân sản xuất lúa theo kiểu "chạy mặn", năng suất chỉ đạt khoảng hơn 7 tấn/ha, nhưng từ khi có hệ thống ô đê bao, năng suất đã tăng lên từ 12-13 tấn/ha. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết, nhờ chủ động đầu tư các công trình ứng phó đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, tuyến sông Ngan Dừa, tiếp giáp với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã có hệ thống cống ngăn mặn, còn tuyến sông Nước Ðục đã có tuyến đê bao Long Mỹ-Vị Thanh. Riêng tuyến sông Nước Trong nếu được đầu tư hệ thống đê bao sẽ bảo đảm ngăn mặn phục vụ cho gần 10.000 ha đất sản xuất, khi đó sẽ giúp khép kín hoàn toàn diện tích đất sản xuất của huyện.

Còn ở thành phố Vị Thanh, hiện có 4 tuyến đê bao chính (gồm đê bao phía bắc Xà No; đê bao ngăn mặn phía nam Xà No; đê bao ngăn mặn Long Mỹ-Vị Thanh; hệ thống đê bao sông Cái Lớn từ Hóc Hỏa đến Kênh Năm), với tổng cộng có 106 cống. Theo Trạm Thủy lợi thành phố Vị Thanh, hệ thống cống đã giúp ngăn triều cường bảo đảm chủ động phòng chống hạn, mặn. Cống được đóng, mở nhanh chóng, kịp thời bằng điện. Hệ thống cống cũng thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng nhằm bảo đảm vận hành tốt khi có lệnh đóng, mở.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Thủy lợi, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, các giải pháp công trình thích ứng biến đổi khí hậu đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Ðối với các công trình đê bao, cống ngăn mặn, hồ nước ngọt đã giúp chủ động trong việc quản lý nước, ngăn chặn xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lúa, cây ăn trái và thủy sản trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên thông tin thêm: Hiện nay, công trình xây dựng dự án Hồ nước ngọt ở huyện Vị Thủy (giai đoạn 2) đang hoàn thiện đưa vào khai thác. Với lượng nước được trữ trong hồ khoảng 1,8 triệu m3, sẽ giúp Hậu Giang chủ động thực hiện kế hoạch hành động và ứng phó với nước biển dâng, xâm nhập mặn, cung cấp nguồn nước mặt bảo đảm chất lượng thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch của tỉnh và bảo đảm nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 260 nghìn dân thuộc thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và Châu Thành A. Ngoài ra, các dự án nạo vét các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh phục vụ vùng sản xuất cũng được quan tâm đầu tư.

Hậu Giang cũng đang triển khai thực hiện dự án nạo vét kênh trục. Dự án này có tổng kinh phí thực hiện khoảng 320 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và của địa phương. Theo đó, sẽ nạo vét kênh trục Nàng Mau 2 với chiều dài khoảng 28km; nạo vét kênh trục Hậu Giang 3 với chiều dài khoảng 43,70km; xây mới 21 cống điều tiết nước trên tuyến Nàng Mau 2. Cùng với hệ thống thủy lợi hiện có, dự án này sẽ giúp tăng khả năng dẫn nước ngọt, trữ nước ngọt tạo nguồn để cấp cho khoảng 22.000ha đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong vùng, cải thiện giao thông đường thủy. Ðây là công trình trọng điểm (được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025), sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hậu Giang; phù hợp với Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ■