Trong đó, 6 đơn vị, doanh nghiệp bằng nguồn vốn tự cân đối tham gia công tác bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa hơn 347,7 tỷ đồng, tăng hơn 227 tỷ đồng so với chương trình bình ổn năm 2021. Tại 8 huyện, thị xã, thành phố dự kiến dự trữ buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết của người dân hơn 320 tỷ đồng.
Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết, nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời theo nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang…
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 33 cửa hàng bách hóa và 72 chợ phân bố đều trên 8 huyện, thị xã, thành phố. Theo kế hoạch, các địa phương trong tỉnh bố trí hơn 4.500 lô, sạp để các tiểu thương mua bán dịp Tết.
Sở Công thương cũng đã có kế hoạch phối hợp ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương trong chợ thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm… trong kinh doanh, buôn bán tại chợ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.