Hát soọng cô của người Sán Dìu nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

NDO -

NDĐT- Ngày 20-3, tại Lễ hội Tây Thiên hằng nằm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Vĩnh Phúc vui mừng nhận Bằng chứng nhận “Soọng cô của người Sán Dìu” là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia theo số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30-10-2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Một buổi giao lưu hát soọng cô tại câu lạc bộ soọng cô ở huyện Tam Đảo.
Một buổi giao lưu hát soọng cô tại câu lạc bộ soọng cô ở huyện Tam Đảo.

Trong đó, hát soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là một trong tám di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đợt này.

Soọng cô là làn điệu dân ca đặc sắc được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc. Theo tiếng Sán Dìu, soọng nghĩa là xướng, nghĩa là ca. Có lịch sử ra đời và phát triển gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng, nội dung của soọng cô rất phong phú, đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi trong lao động, ướm hỏi tỏ tình, thăm hỏi gia đình...

Qua khảo sát thực tế, soọng cô của người Sán Dìu có khoảng gần 1.000 bài. Là tiếng nói của người lao động, vì vậy, ngôn ngữ trong soọng cô có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Ngôn từ của soọng cô sử dụng từ tượng hình, tượng thanh khá phong phú và hấp dẫn. Cách xưng hô trong soọng cô thể hiện rõ phương thức diễn xướng hát đối đáp trực tiếp, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và thứ hai. Đây là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ; lời ca và giai điệu soọng cô mềm dẻo, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát.

Hát soọng cô của người Sán Dìu nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1

Các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc nhận chứng nhận “Soọng cô của người Sán Dìu” là di sản văn hóa phi vật thể.

Trước sự giao thoa văn hóa trong đời sống hiện đại, nhiều loại hình văn hóa mới du nhập, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu ít nhiều việc bị ảnh hưởng. Để các giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Dìu và làn điệu hát soọng cô ở Vĩnh Phúc được lưu giữ, các cấp, các ngành và cộng đồng người Sán Dìu đã triển khai nhiều giải pháp gìn giữ bản sắc đặc trưng văn hóa dân tộc Sán Dìu đối với các lễ hội, trang phục, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực và làn điệu soọng cô.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển soọng cô của người Sán Dìu đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Nhiều câu lạc bộ soọng cô được thành lập, với hơn 1.000 thành viên tham gia. Hằng năm, các câu lạc bộ đều tổ chức các các lớp truyền dạy, giao lưu tạo môi trường, không gian cho các hội viên, nghệ nhân thực hành, biểu diễn. Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của làn điệu dân ca này đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

* Khai hội Tây Thiên xuân Kỷ Hợi 2019