Đến bất kỳ nhà văn hóa nào trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội), người ta luôn thấy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao
sôi động, thu hút cả người già lẫn trẻ em tham gia. Mỗi người đều có thể lựa chọn một câu lạc bộ dành riêng cho mình, tùy theo độ tuổi hay sở thích. Đó có thể là câu lạc bộ văn nghệ dân gian như: trống hội, hát chèo, hát dân ca…; hay câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, bóng chuyền, bóng bàn, dưỡng sinh…
Một trong những thí dụ điển hình là Nhà văn hóa thôn Mạch Tràng (xã Cổ Loa). Từ sáng sớm, không gian của nhà văn hóa đã sôi động khi có các hoạt động yoga, dưỡng sinh. Không gian lắng xuống trong thời gian làm việc, nhưng từ chiều, mọi hoạt động lại trở nên sôi nổi. Các sân bóng đá, bóng chuyền diễn ra các cuộc “thi đấu xóm”. Buổi tối là thời gian của các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ khiêu vũ…
Công chức văn hóa xã Cổ Loa Nguyễn Thị Yến chia sẻ: “Xã Cổ Loa có 15 thôn thì tất cả các thôn đều có nhà văn hóa hoạt động sôi nổi. Có những hoạt động văn hóa, thể thao mới được đưa vào, thí dụ như hoạt động khiêu vũ, yoga. Phong trào dân ca, dân vũ thật sự sôi động. Nhiều người cao tuổi ban đầu rất ngại tham gia khiêu vũ, nhưng khi thấy mọi người tập luyện thì vừa vui, vừa khỏe nên đã hăng hái tham gia. Con cháu các cụ cũng rất phấn khởi. Giới trẻ thì còn nhiều hoạt động hơn nữa. Có thôn tổng cộng có hơn 10 câu lạc bộ khác nhau”.
Triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa, tiếp đó là nông thôn mới, giống như các vùng quê khác, hàng loạt nhà văn hóa đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Thực tế cũng có thời gian nhiều nhà văn hóa được xây dựng nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả. Song, cuộc sống luôn đầy những sắc màu sinh động, tươi mới.
Một số địa bàn thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao tại các nhà văn hóa, tập hợp những người cùng sở thích tham gia. Việc được đáp ứng nhu cầu, sở thích khiến nhiều người thấy tham gia hoạt động tại nhà văn hóa là bổ ích. Đó chính là “hạt nhân” để lôi cuốn cộng đồng. Bắt được cái “mạch chảy” ấy từ cuộc sống, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh đã “khơi dòng”, thông qua chỉ đạo thành lập ban chủ nhiệm nhà văn hóa.
Mỗi ban chủ nhiệm gồm ít nhất năm người chịu trách nhiệm quản lý, điều phối, tổ chức các hoạt động và thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao. Toàn địa bàn hiện có 1.200 câu lạc bộ. Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ: “Hoạt động của các ban chủ nhiệm, các câu lạc bộ văn hóa, thể thao có thể coi là mấu chốt của thành công. Khi thu hút được những người cùng sở thích thì mọi người không chỉ tham gia mà còn hăng hái đóng góp tiền của, vật chất cho nhà văn hóa. Tất nhiên, để câu lạc bộ có thể hoạt động tốt, cần sự nhiệt tình của cán bộ cơ sở”.
Đông Anh đang trong quá trình trở thành đô thị. Ở những địa bàn làng sắp lên phố như thế, có thể thấy rằng một xu hướng đang diễn ra khi văn hóa làng quê yếu đi, còn có mặt trái văn hóa thành thị được đưa về. Nhưng với những sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống, Đông Anh đã đem đến cho người dân những nếp văn hóa mới, hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.