Trong giai đoạn 2017-2023, các homestay Vĩnh Long vinh dự 3 lần đón nhận Giải thưởng du lịch ASEAN. Cụ thể, cụm homestay Út Trinh đạt giải giai đoạn 2017-2019; homestay Phương Thảo đạt giải giai đoạn 2019-2021; và năm 2023 cụm homestay An Bình được vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.
Thuộc trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long tuy là vùng đất không rừng, không núi, không biển, không giáp biên giới như một số tỉnh, thành phố khác trong khu vực, nhưng không vì thế mà thiếu đi các tiềm năng du lịch vốn có. Vĩnh Long có vị trí địa lý đặc biệt, tọa lạc giữa hai dòng sông (sông Tiền và sông Hậu) của dòng sông Mekong huyền thoại. Hai dòng sông mang phù sa vun đắp ruộng vườn tươi tốt, cây lành trái ngọt, bốn mùa trĩu quả. Những lợi thế đó tạo điều kiện để Vĩnh Long phát triển từ rất sớm loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đặc trưng, gắn với các homestay nghỉ dưỡng và nhu cầu tìm hiểu lịch sử, đời sống văn hóa, con người vùng đất này.
Điểm cụm du lịch homestay An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ - nơi vừa được vinh danh loại hình homestay đạt giải thưởng ASEAN mới đây được nhiều du khách lựa chọn. Chị Nguyễn Huỳnh Như Khánh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi đi du lịch Vĩnh Long và là lần đầu được ở trong homestay nên rất thích thú. Sáng thức dậy thấy bao quanh sông nước, cây trái trĩu quả, phong cảnh rất thơ mộng. Đây chính là nơi nghỉ dưỡng bình yên nhất mà gia đình tôi từng trải nghiệm”.
Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trọng Tín cho biết: Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên trong khu vực phát triển mô hình du lịch homestay. Thời vàng son nhất là khoảng năm 1990 đến năm 2000, được rất nhiều các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cách làm. Toàn tỉnh hiện có 25 hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch này.
Đến đây, du khách sẽ trở thành thành viên trong gia đình, cùng khám phá nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương như chèo xuồng, chài lưới, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu ăn, đạp xe dạo quanh đường làng, tham quan vườn cây ăn trái… Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, được tự tay đốt đuốc đến đình làng xem hát bội, tham gia sinh hoạt văn hóa đậm chất người dân Nam Bộ thời xa xưa.
Mô hình du lịch “đi trong màu xanh đồng bằng” trên địa bàn 4 xã cù lao huyện Long Hồ, loại hình du lịch homestay Vĩnh Long ra đời từ những năm sau đổi mới đã thu hút ngày càng đông du khách. Ban đầu, chỉ từ một hai cơ sở nguyên sơ, mộc mạc, còn nhiều khó khăn, trắc trở nhưng nhờ quyết tâm của lãnh đạo các cấp và doanh nghiệp, sự nhiệt tình hợp tác của người dân nên mô hình dần ổn định. Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, du lịch Vĩnh Long nói chung, loại hình du lịch đặc thù homestay Vĩnh Long nói riêng dần khẳng định vị trí của mình trong cơ cấu kinh tế dịch vụ của tỉnh và bản đồ du lịch của cả nước. Đặc biệt, cù lao An Bình, huyện Long Hồ, nơi khởi thủy loại hình du lịch homestay của địa phương luôn khẳng định vị thế trọng tâm du lịch của tỉnh thời gian qua.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết: “Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phê duyệt nhiều đề án, dự án phát triển du lịch tỉnh, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để tạo nét riêng, thu hút du khách. Tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện để các cơ sở du lịch nâng cao chất lượng hoạt động. Trên cơ sở đó, các cơ sở homestay không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách và các đơn vị lữ hành liên kết sản phẩm từ các tỉnh bạn, trong khu vực. Vì vậy thời gian qua lượng khách du lịch đến với Vĩnh Long không ngừng tăng, trong đó đóng góp của các homestay, các điểm vườn luôn chiếm hơn 40% lượt khách trong tỉnh”.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong nhấn mạnh: “Các điểm du lịch homestay huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long rất độc đáo và đặc sắc. Loại hình du lịch này góp phần thay đổi bộ mặt những xã cù lao nơi đây, ngày càng có ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước”.