Đà Bắc là huyện đặc biệt khó khăn nhưng lại có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở các xã thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình. Thực tế hơn 10 năm qua, du lịch vùng cao Ðà Bắc đã và đang từng bước phát triển. Huyện có đến bảy xã thuộc quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.
Ðến nay, một số bản du lịch cộng đồng của huyện đã có tên trên bản đồ du lịch quốc gia, tiêu biểu như: xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Ðá Bia, xã Tiền Phong; xóm Sưng, xã Cao Sơn. Trong đó, xóm Ké nổi tiếng với các homestay của đồng bào người Mường, với vị trí nằm ngay cạnh vùng lòng hồ Hòa Bình rộng lớn. Từ xóm Ké đi dọc theo bờ hồ Hòa Bình gần 20 km là xóm Ðá Bia, một bản làng của người Mường Ao Tá với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Ðặc biệt, xóm Sưng, nơi sinh sống của đồng bào Dao Tiền là điểm dừng chân thú vị, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú.
Mới đây, chúng tôi có dịp về xã vùng hồ Hiền Lương để trải nghiệm một trong những sự kiện được mong chờ nhất trong năm ở huyện vùng cao Ðà Bắc. Ðó là Ngày hội văn hóa, thể thao, quảng bá du lịch huyện Ðà Bắc năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách trong, ngoài tỉnh. Ngày hội là sự giao thoa sắc màu văn hóa, ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện vùng cao Ðà Bắc, gồm: Mường, Tày và Dao. Ðặc biệt, nhiều sản vật, sản phẩm OCOP của địa phương được trưng bày, giới thiệu như: tôm, cá sông Ðà, lợn đen bản địa và các loại rau, củ, quả được trồng ở các xã vùng cao.
Ðiểm nhấn của ngày hội là hoạt động đi bộ trên cung đường du lịch từ trung tâm xã Hiền Lương đến xóm Ké, một bản Mường đang phát triển mạnh về du lịch cộng đồng. Hoạt động này đã thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia với thông điệp về bảo vệ môi trường và cảnh quan vùng hồ Hòa Bình. Con đường ven hồ được mở rộng, cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách được đi bộ hoặc đạp xe để khám phá vùng hồ Hòa Bình, nơi có những vịnh nước sâu với cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Du khách có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm đời sống của các bản Mường sinh sống ven lòng hồ với nhiều nét văn hóa còn nguyên sơ.
Gia đình chị Lường Thị Thảo (homestay Hữu Thảo), xóm Ké là một trong những hộ đã phát triển du lịch cộng đồng được 10 năm ở xã Hiền Lương. Chị Thảo cho biết, du lịch đã làm thay đổi đời sống, thu nhập của gia đình. Hiện nay, gia đình chị có chín phòng riêng và một nhà sàn, quy mô đón 50 khách. Chị Thảo chia sẻ, nhờ phát triển du lịch mà đời sống người dân xóm Ké đã thay đổi từng ngày. Thời gian qua, gia đình chị và đồng bào không ngừng học hỏi các kỹ năng làm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Ðặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để khách du lịch đến với bản được trải nghiệm cuộc sống thường ngày và hiểu về những nét đặc trưng nhất của người Mường.
Những năm gần đây, một trong những sản phẩm du lịch ấn tượng ở vùng hồ Hòa Bình là trải nghiệm chèo thuyền kayak. Tại ngày hội quảng bá du lịch, huyện Ðà Bắc đã tổ chức giải thi chèo thuyền kayak, với sự tham gia của hàng trăm vận động viên.
Ðược hòa mình vào sự kiện và trải nghiệm thực tế các hoạt động văn hóa, thể thao, chị Phùng Thị Diên, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã có những ấn tượng tốt đẹp trong lần đầu đến với huyện vùng cao Ðà Bắc. Chị Diên cho biết, nhắc đến Hòa Bình, chị ấn tượng vì có công trình nhà máy thủy điện nổi tiếng, nhưng càng bất ngờ hơn vì hồ thủy điện Hòa Bình có cảnh sắc rất đẹp và người dân bản địa hiếu khách. Hy vọng sau này, khi con đường kết nối giữa huyện Ðà Bắc và Phú Thọ hoàn thành, chị sẽ có nhiều dịp để đến trải nghiệm du lịch.
Huyện Ðà Bắc có lợi thế hơn 7.000 ha mặt hồ, nhiều xã nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Hiện nay, huyện có 30 cơ sở lưu trú, với số lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng ước đạt hơn 170 nghìn lượt. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðà Bắc Lường Văn Thi, trong quy hoạch vùng huyện, Ðà Bắc xác định rõ chia huyện thành ba khu vực: Khu vực bảy xã vùng lòng hồ Hòa Bình với định hướng phát triển du lịch theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ; khu vực thị trấn phát triển đô thị và các khu công nghiệp; các xã vùng cao phát triển lâm nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm và văn hóa.
Cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi, sự đa dạng về các dân tộc đã tạo nên những tiềm năng lớn để huyện vùng cao Ðà Bắc phát triển du lịch. Xác định du lịch là mũi nhọn, huyện đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời chú trọng hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông để "mở đường" phát triển bền vững trong tương lai.