Hành trình quảng bá âm nhạc H’Mông

Là người dân tộc H’Mông, sinh ra và lớn lên trên vùng cao nguyên đá Ðồng Văn (tỉnh Hà Giang), Ly Mí Cường hiện đang theo học hệ trung cấp sáu năm chuyên ngành nhạc cụ truyền thống tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Lựa chọn di sản văn hóa của dân tộc mình làm điểm tựa, Ly Mí Cường bền bỉ trên hành trình lưu giữ và lan tỏa âm nhạc dân tộc H’Mông, từ cao nguyên đá đến các sân khấu trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ly Mí Cường trong một chương trình biểu diễn tại Hà Nội. (Ảnh LC)
Ly Mí Cường trong một chương trình biểu diễn tại Hà Nội. (Ảnh LC)

“Núi đêm” là tác phẩm sáo H’Mông đầu tay của Ly Mí Cường, lấy cảm hứng sáng tác từ những bài dân ca giao duyên của người H’Mông trên cao nguyên đá núi. Cuối tháng 9, video ca nhạc (MV) của anh đã ra mắt trên nền tảng YouTube. “Núi đêm” như một hành trình của người H’Mông bằng âm nhạc qua lịch sử với những dấu chân vững vàng vượt núi để sinh tồn, an cư lạc nghiệp, lao động sản xuất… Cảnh quan ký ức và hành trình thiên di được gợi nhớ và truyền tải qua tiếng khèn, vừa trầm bổng, vừa da diết. MV cũng là tình yêu của người con vùng núi đá dành cho quê hương, cho từng nếp nhà, từng con người cũng như sự tri ân với văn hóa dân tộc đã bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn của người nghệ sĩ trẻ. Khai thác chất liệu dân gian H’Mông, lấy đó làm nguồn cảm hứng sáng tác trên nền nhạc phối hiện đại, “Núi đêm” là phương thức biểu hiện mới thành công của âm nhạc truyền thống trong cuộc sống đương đại.

Sinh ra và lớn lên tại xã Lũng Phìn, từ nhỏ, Ly Mí Cường đã được học cách thổi sáo, thổi khèn… truyền lại từ các nghệ nhân dân gian và sau này là quá trình học tập, tiếp xúc âm nhạc chuyên nghiệp khi trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tuy xuất phát điểm có muộn hơn các sinh viên cùng trang lứa, nhưng Ly Mí Cường nỗ lực rất nhiều để có được thành quả trong quá trình thực hành và nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Là người dìu dắt, hướng dẫn và đào tạo Ly Mí Cường từ năm 2019, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Anh, giảng viên bộ môn sáo trúc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết: Với “Núi đêm”, Ly Mí Cường đã khai thác được chất liệu dân ca vùng cao, nơi mình sinh sống và kể một câu chuyện xúc động bằng âm nhạc. Chính những điệu hát ru của bà, của mẹ là nền tảng để chàng trai người H’Mông sáng tác bản nhạc với giai điệu mượt mà và giàu cảm xúc.

Mới chớm tuổi 20, nhưng Ly Mí Cường đã nhận thức rất rõ giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc. Hình ảnh nhận diện rõ nét của Ly Mí Cường trên sân khấu âm nhạc trong nước và quốc tế là trang phục truyền thống và chiếc khèn H’Mông. Mong muốn phát triển nghệ thuật dân gian theo hướng đương đại, đến nay, Ly Mí Cường đã có những kinh nghiệm tích lũy khi tham gia nhiều chương trình như: biểu diễn cùng rapper Đen Vâu trong ca khúc “Đi theo bóng mặt trời” tại buổi hòa nhạc Show của Vâu 2023; trình diễn phục vụ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Đại hội Sinh viên Việt Nam; tham gia điền dã âm nhạc tại Hà Giang cùng nhóm nghệ sĩ Thanh Cảnh…

Biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp đã giúp Ly Mí Cường chia sẻ, quảng bá và kể những câu chuyện văn hóa của dân tộc mình. Cho đến nay, Ly Mí Cường sở hữu thành tích đáng nể: Quán quân cuộc thi Ngôi sao tài năng Việt Nam 2022; Giải nhất hạng mục Nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại cuộc thi Âm nhạc quốc tế Trung Quốc-Singapore năm 2024.

Tháng 7 vừa qua, Ly Mí Cường xuất sắc giành ngôi Quán quân Giải thưởng Thanh âm trong cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trẻ tại Trung Quốc…

Lựa chọn di sản văn hóa dân tộc mình làm nền tảng, Ly Mí Cường xác định phải gìn giữ những tinh túy, đặc sắc của âm nhạc dân tộc và tìm hướng đi hiệu quả trong đời sống nghệ thuật đương đại. Tiếp xúc và được làm việc với các nghệ sĩ chuyên nghiệp ở nhiều dòng nhạc khác nhau, Ly Mí Cường càng thêm trân trọng nghệ thuật dân tộc, thấy được sự đa dạng và những khác biệt trong ngôn ngữ âm nhạc. Điều này tiếp thêm động lực cho anh trong hành trình sáng tạo mang dấu ấn và bản sắc riêng.

Cùng với nhóm H’Mong Culture, gồm những sinh viên người H’Mông học tập tại Hà Nội, Ly Mí Cường năng nổ quảng bá, lan tỏa văn hóa dân tộc qua các dự án âm nhạc, triển lãm nhạc cụ hay như chương trình Tết H’Mông xuống phố… Gần đây, anh và các bạn trong nhóm hỗ trợ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sự kiện H’Mông Phong Vân hội, kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật, giao lưu, chia sẻ về văn hóa dân tộc thiểu số.

Tình yêu nhạc cụ dân tộc H’Mông, nhất là sáo và khèn thúc đẩy Ly Mí Cường thành lập dự án âm nhạc Nốt Si. Anh cho biết: Trong âm nhạc dân gian H’Mông, nốt si (B) như một thanh âm đặc trưng dành riêng cho cộng đồng, hiện hữu như lời tự tình, tiếng nói của một chàng trai hay vẻ mộc mạc của những thiếu nữ. Hiện tại, các thành viên dự án đang thu thập, ghi lại, bảo tồn các bản nhạc và hình thức biểu diễn truyền thống của người H’Mông. Trong tương lai, họ sẽ kết nối các thế hệ, phối hợp các nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam giảng dạy và định hướng phát triển âm nhạc dân tộc chuyên nghiệp hơn cho các bạn trẻ trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Trong bối cảnh văn hóa và nghệ thuật diễn xướng có phần mai một, càng thấy rõ trách nhiệm của giới trẻ với sự nghiệp gìn giữ văn hóa, âm nhạc dân tộc bên cạnh vai trò của các nghệ nhân cùng chính quyền địa phương và cơ quan quản lý văn hóa. Vì vậy, dự án của Ly Mí Cường và bạn bè không chỉ tập trung bảo tồn, tái hiện những giai điệu, lời ca, vũ khúc truyền thống mà còn mở rộng nghiên cứu, giáo dục và lan tỏa giá trị văn hóa, âm nhạc dân tộc đến các cộng đồng khác; sử dụng âm nhạc và thông qua âm nhạc để nâng cao nhận thức về văn hóa của dân tộc.