Hành trình phục dựng ngôi chùa gắn với cây thị gần 400 năm tuổi

NDO - Cuối năm 2019, Đại đức Thích Huệ Hạnh tiếp nhận chùa Cây Thị (thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) trong tình trạng xuống cấp, bị bào mòn nặng nề bởi thời gian và tàn phá nghiêm trọng bởi chiến tranh. Vậy nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng công đức và tinh thần "Đạo Pháp cùng dân tộc", vị trụ trì trẻ đầy tâm huyết đã cùng các phật tử trùng tu, phục dựng ngôi chùa thành một địa điểm chiêm bái, tu tập thanh tao, tĩnh lặng.
0:00 / 0:00
0:00
Chùa Cây Thị ở thời điểm hiện tại dưới bàn tay phục dựng đầy tâm huyết của Đại đức Thích Huệ Hạnh, Ủy viên Thường trực Phân ban chuyên nghiệp Phật tử Trung ương.
Chùa Cây Thị ở thời điểm hiện tại dưới bàn tay phục dựng đầy tâm huyết của Đại đức Thích Huệ Hạnh, Ủy viên Thường trực Phân ban chuyên nghiệp Phật tử Trung ương.

Đến với thôn Chè Trình, các phật tử ắt hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên với một công trình tâm linh hiện lên như bức tranh thủy mặc giữa thiên nhiên bao la. Nằm nép mình bên sườn núi, bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, hình thế phong thủy "tả thanh long, hữu bạch hổ", chùa Cây Thị đón những tia nắng ban mai len lỏi qua từng kẽ lá, càng trở nên uy nghiêm trong không gian tịch mịch, trong lành.

Điểm nhấn của ngôi chùa với tên gọi đặc biệt này chính là cây thị, mới đây được Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) xác định có tuổi đời khoảng 370 năm. Không chỉ có giá trị lịch sử, cây thị còn mang ý nghĩa tâm linh lớn đối với dân làng cũng như phật tử thập phương về chiêm bái, nhất là vào các dịp Vu Lan, lễ Tết.

Hành trình phục dựng ngôi chùa gắn với cây thị gần 400 năm tuổi ảnh 1

Đại đức Thích Huệ Hạnh và cây thị cổ thụ trong khuôn viên ngôi chùa.

Theo một số nghiên cứu, chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII như một nơi để người dân địa phương tu tập, cầu nguyện với quy mô nhỏ. Đến năm 1940, cơ sở tôn giáo được trùng tu với 5 gian chánh điện và 3 gian nhà thờ nhỏ bằng gỗ.

Tuy nhiên, đến năm 1954, bom đạn thực dân đã khiến ngôi chùa bị tàn phá nặng nề. Sau đó, với nỗ lực của người dân, công trình đã được phục dựng nhưng chỉ còn 3 gian thờ Phật. Vậy nhưng, cành lá của cây thị vẫn xum xuê, tỏa bóng mát xoa dịu bao lo toan, muộn phiền nơi trần tục.

Cây thị cổ thụ trong quần thể chùa cao hơn 10m, có chu vi gốc khoảng 2m. Cứ vào dịp đầu tháng 5 âm lịch hằng năm, cây thường trổ hoa. Để tới thượng tuần tháng 7 âm lịch, cây sẽ đơm quả thơm ngát, sai trĩu.

Cuối năm 2019, khi Đại đức Thích Huệ Hạnh tiếp nhận chùa Cây Thị, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ chùa chỉ còn 3 gian thờ Phật, đường lên chùa cũng chỉ còn là lối đi quanh co nhỏ hẹp, nhiều đoạn có dấu hiệu sạt lở... Xót xa trước cảnh hoang tàn của ngôi chùa nhiều trăm năm tuổi, trên tinh thần "Đạo Pháp cùng dân tộc", vị đại đức trẻ tuổi đã quyết tâm phục dựng quần thể công trình.

Sau những nỗ lực không ngừng của Đại đức Thích Huệ Hạnh cùng bà con nhân dân và chúng phật tử thập phương, chùa Cây Thị đã được phục dựng, trả lại những nét đẹp kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam và nét tinh tế của kiến trúc Á Đông. Ngôi chùa có cổng tam quan uy nghi, dẫn vào khu vườn thiền giữa những hàng tùng xanh mướt.

Hành trình phục dựng ngôi chùa gắn với cây thị gần 400 năm tuổi ảnh 3

Gian thờ Phật trong chùa Cây Thị.

Nổi bật trong quần thể công trình là tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 6m tọa lạc trên đồi cao, tôn tượng Đức Phật Tổ cao 2,5m đặt ở chánh tòa khu vực chùa cổ. Bên cạnh đó là kinh luân cao 4m cùng 108 kinh luân nhỏ bố trí chung quanh... Tất cả tạo nên một sự trang nghiêm, thanh cao, tĩnh lặng khó tả. Được biết, trong quần thể chùa Cây Thị còn có khu giảng đường, thư viện, nhà bếp... để phục vụ phật tử đến thiền tập.

Hành trình phục dựng ngôi chùa gắn với cây thị gần 400 năm tuổi ảnh 4

Lối đi lên chùa Cây Thị đã được tu sửa, phục dựng.

Theo đại diện chính quyền địa phương, không chỉ tâm huyết với việc tôn tạo, phục dựng chùa Cây Thị, vị trụ trì tốt nghiệp cử nhân Triết học tôn giáo và có bằng cao học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh còn thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động an sinh xã hội như chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, trao kinh phí hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng hành với nhiều công trình, phần việc tuổi trẻ do tổ chức Đoàn, Hội, Đội ở địa phương phát động...

Hành trình phục dựng ngôi chùa gắn với cây thị gần 400 năm tuổi ảnh 5

Đại đức Thích Huệ Hạnh trao kinh phí hỗ trợ các cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa phương.

"Từ khi về làm trụ trì chùa Cây Thị, Đại đức Thích Huệ Hạnh đã góp công tái sinh ngôi chùa không chỉ về mặt diện mạo mà còn cả những giá trị tâm linh. Ngôi chùa nay đã phát triển thành một điểm đến đầy sức hút đối với cả người dân địa phương và phật tử, khách du lịch ngoài tỉnh Hà Nam, biểu tượng vượt thời gian, truyền cảm hứng cho bất cứ ai muốn tìm về sự thanh tịnh, an lạc trong cuộc sống bộn bề lo toan" - quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Tâm Nguyễn Xuân Chính cho biết.