Cây xanh từ mọi miền Tổ quốc ra với Trường Sa
Đại tá Nguyễn Trung Quảng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân - người đã dành nhiều tâm sức cho chương trình này, chia sẻ: “Việc phủ xanh các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có ý nghĩa rất lớn trong việc chủ động để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, quốc phòng tại Trường Sa, đồng thời góp phần xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên các đảo. Cây xanh ở Trường Sa tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, tạo bóng mát mà còn ngọt hóa nước, trở thành những phên dậu che, chắn gió, bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ, chiến đấu của quân và dân trên đảo. Ngoài ra còn củng cố vườn tăng gia, bảo đảm rau xanh cho bộ đội”.
Để thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, phòng Hậu Cần-Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã xây dựng kế hoạch số 4241/KH-BTL ngày 13/9/2022. Theo đó, chương trình gửi thư ngỏ tới 44 địa phương, cơ quan doanh nghiệp trong cả nước nhằm truyền thông, vận động, huy động nguồn lực.
Với lá thư ngỏ đó, chẳng khác nào “được lời như cởi tấm lòng”, rất nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã chung tay góp sức. Có thể kể đến như Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 1.500.000 cây xanh, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí hỗ trợ 100.000 cây và các vật tư chăm sóc cây xanh...
Đó là những loại cây mang đặc trưng của từng vùng miền Tổ quốc nhưng cũng phù hợp với thổ nhưỡng Trường Sa như cây dừa đến từ Bình Định, Bến Tre, cây mù u Cà Mau, cây bàng Côn Đảo…
Có cây rồi, muốn sinh trưởng và phát triển tốt cần có đất và phân, bởi ở nhiều đảo Trường Sa ngay cả đất cũng là thứ xa xỉ. Đất và phân cũng đã được nhiều doanh nghiệp đóng góp với tinh thần vì Trường Sa ruột thịt. Ngay từ năm 2020, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa đã ủng hộ 2.000m3 đất màu đưa ra đảo Đá Tây.
Đảo Đá Tây – như tên gọi của nó, được hình thành từ những rặng san hô, chỉ đá với cát nhiễm mặn, nên những khối đất màu từ đất liền ra trở nên vô cùng quý giá. Có đất màu là có rau xanh, cây cối mọc lên, chim chóc bay về.
Các doanh nghiệp như Trại giun Quế - Phú Thọ, Công ty Shu Farm - Thanh Hóa, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao… đã ủng hộ hơn 120 tấn phân bón.
Năm 2023, Vùng 4 Hải quân tổ chức 3 hội nghị kết hợp tuyên truyền biển đảo và vận động, tiếp nhận vật tư phân bón cây giống ở 3 nơi - Phú Thọ, Bình Định và Bến Tre. Phòng Hậu cần-Kỹ thuật phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, Công ty Ngọc Trang Xanh tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho các lực lượng trước khi ra đảo thực hiện nhiệm vụ.
Nhưng để bảo đảm cây vẫn tươi xanh sau khi vượt hàng trăm hải lý sóng to gió lớn từ đất liền ra quần đảo Trường Sa cũng không hề đơn giản. Phương tiện vận chuyển chủ yếu kết hợp tàu thực hiện nhiệm vụ của Vùng 4 nên không chở được nhiều.
Khi cây lên đến các đảo lại bắt đầu đối mặt với rất nhiều thử thách ở một miền thổ nhưỡng đầy khắc nghiệt và khác lạ. Ở đó chủ yếu đá san hô nghèo dinh dưỡng, cát trắng, nguồn nước lại thiếu thốn, nhất là nước bảo đảm cho cây trong giai đoạn mới trồng…
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành thực hiện Chương trình: “Xanh hóa Trường Sa”. Xây dựng kế hoạch triển khai trồng cây và thành lập các tổ trồng cây trên đảo Sơn Ca, Tiên Nữ, Thuyền Chài; chỉ đạo các đảo còn lại xây dựng vườn ươm cây giống, đẩy mạnh ươm, chiết cây xanh, trồng cây tại các khu vực theo quy hoạch.
Việc ươm, chiết, nhân giống cây xanh ở Trường Sa khó khăn gấp nhiều lần so với đất liền bởi khí hậu khắc nghiệt. Nhưng dưới bàn tay khéo léo, chịu khó của cán bộ, chiến sĩ, hàng loạt cành cây bàng quả vuông được chiết thành công, hàng nghìn hạt bàng quả vuông giống, dừa nước nảy mầm đội đất cát mọc lên.
Vườn ươm cây bàng vuông trên đảo Song Tử Tây. |
Vườn ươm cây xanh đảo Song Tử Tây rộng 80m2, đang ươm các giống bàng ta, phong ba, bão táp, mù u, hoa giấy. Có hai cách ươm cây, gồm: Ươm hạt và chiết cành. Khi quả bàng ta chín, rụng, bộ đội lấy về trồng, lên được 2 lá thì cho vào bao đem đi trồng…
Đảo Song Tử Tây trước đây rợp kín bóng cây, ánh nắng gay gắt của Trường Sa cũng không xuyên qua được. Nhưng cơn bão số 9 tháng 12/2021 quét qua đã làm hầu hết cây trên đảo bật gốc, đổ rạp. Cả đảo lại trơ trọi cá và cát dưới ánh mặt trời. Nước biển tràn lên làm đất nhiễm mặn. Với sự trợ giúp từ đất liền, 22 nghìn cây giống được gửi ra, được cho vào vườn ươm cho quen thủy thổ và công sức của bộ đội đã lại phủ xanh đảo Song Tử Tây.
Kết quả thực hiện trên 5 đảo Sơn Ca, Tiên Nữ, Thuyền Chài, Nam Yết, Phan Vinh theo chương trình “Xanh hóa Trường Sa” giai đoạn 1 đã cho ra những con số “biết nói”. Tổng số cây trồng được trên các đảo hơn 40 nghìn cây. Trong đó có nhiều loại cây từ đất liền ra với đảo và sinh trưởng tốt như dừa, bàng ta, mù u, xoài… Có những cây hợp đất mới như phi lao, chỉ sau 3 tháng đã cao quá đầu người.
Lúc này, cây còn là hình bóng của quê nhà. Trên đảo Trường Sa lớn đang lên xanh cây trầm hương - loài cây biểu tượng của tỉnh Khánh Hòa, do Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh và Chuẩn đô đốc Nguyễn Thế Tốt trồng năm 2022. Nhìn cây trầm hương cảm giác như tỉnh Khánh Hòa - nơi có huyện đảo Trường Sa đang rất gần.
Những vườn rau giữa muôn trùng sóng gió
Trên đảo không chỉ có cây, mà còn mướt mát màu xanh của nhiều loại rau. Ai đã ra Trường Sa đều bất ngờ trước những lá rau xanh to hơn hẳn so với đất liền. Đó chẳng phải là “phép lạ” mà được “tưới” từ những giọt mồ hôi và trí thông minh, sáng tạo của các bộ chiến sĩ trên đảo.
Mùa khô trên đảo kéo dài, đến tháng 8-9 mới bắt đầu có mưa, các chiến sĩ đào hố chôn những bể nhựa để chứa nước mưa, tận dụng cả nước sinh hoạt tưới rau. Ruột cá, và nhiều chất thải hữu cơ được chôn lấp đúng quy trình khoa học để trở thành phân bón cho rau.
Ở các đảo có diện tích nhỏ như Đá Thị, Cô Lin, Len Đao..., chiến sĩ chắt chiu từng nắm đất màu từ đất liền chở ra, tận dụng cả xô, chậu, thùng nhựa, chậu xi-măng, chậu composite để ươm trồng rau xanh. Các vườn rau, khu vực tăng gia được quây kín, tránh gió biển mặn.
Ngay cả ở đảo chìm Cô Lin vẫn lên xanh tốt rau cải, rau ngót, muống, mồng tơi. Chỉ với 78m2 đất trồng rau, đã thu hoạch được 725kg, bảo đảm cơ bản rau xanh cho bữa ăn của bộ đội. Hệ thống hồ lắng được sắp xếp liên hoàn từ phía ngoài vào trong vườn. Nước qua quá trình lắng muối sẽ được tưới vào gốc cây để giữ ẩm. Việc chăm tưới vườn rau cũng đem lại niềm vui cho mỗi người lính đảo.
Bộ đội Trường Sa đang chăm sóc vườn rau xanh |
Đại tá Nguyễn Trung Quảng cho biết, Phòng Kỹ thuật-Hậu cần Vùng 4 Hải quân đã đầu tư xây dựng 5 vườn rau inox trên 5 đảo Sinh Tồn, Đá Tây A, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C với tổng trị giá 1,25 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Quỹ “Vì biển đảo quê hương - vì tuyến đầu Tổ quốc” Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ.
Vườn rau inox được làm theo một mẫu thống nhất, chắc chắn và đẹp, được chăng cước trắng, có lưới chống nắng, mưa xuống không xối thẳng vào gốc, hạn chế bốc hơi nước.
Ở nhiều đảo chìm đã xanh mướt rau, nhưng đang thiếu những bóng cây. Đại tá Nguyễn Trung Quảng đang trăn trở làm thế nào để trồng được nhiều cây xanh trên đảo chìm vốn rất nhỏ và hầu như chỉ có bê tông, gạch đá. Đại tá Quảng có ý tưởng sẽ đổ đất trong những thùng nhựa composite, lắp bánh xe, trồng cây ở trong nhưng có thể di chuyển được để tránh thủy triều, nắng, gió bão. Muốn thực hiện ý tưởng đó cũng như đẩy mạnh chương trình “Xanh hóa Trường Sa” rất cần nguồn lực tài trợ từ đất liền.
Nghị quyết của Đảng ủy Vùng 4 Hải quân về “Xanh hóa Trường Sa” qua hai năm thực hiện đã có những kết quả bước đầu ấn tượng. Hiện hơn 80% diện tích các đảo có điều kiện phù hợp trồng cây lâu năm được phủ xanh.
Qua phối hợp, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong triển khai thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa” năm 2023, 2024 kết quả ươm, chiết cây xanh và huy động hỗ trợ gần hàng trăm nghìn cây xanh và hàng trăm nghìn tấn tấn phân bón, đất dinh dưỡng.
“Xanh hóa Trường Sa” đã chứng minh được tính thiết thực và hiệu quả, từ một chương trình của Vùng 4 Hải quân đã trở thành đề án của Tổng cục Hậu cần và được Bộ Quốc phòng nhân rộng, trở thành chương trình của toàn quân.
Sau gần 50 năm giải phóng, Trường Sa đã “thay da đổi thịt” màu xanh trên quần đảo đã thể hiện sức sống, cuộc sống bình yên của bộ đội và nhân dân nơi đây, quyết tâm xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.