Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 6 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã làm nòng cốt triển khai tổ chức Tháng Nhân đạo trên toàn quốc, đạt nhiều kết quả thiết thực, lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” trong các tầng lớp nhân dân. Qua các lần tổ chức, Tháng Nhân đạo đã vận động được hơn 3.400 tỷ đồng, trợ giúp hơn 5,5 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. “Năm nay, với chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, chúng tôi mong muốn hành trình này lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp trong xã hội để thật sự đưa Tháng Nhân đạo trở thành tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.
Ấm áp sự sẻ chia
Trong chuỗi các chương trình diễn ra trong Tháng Nhân đạo, hoạt động xây nhà Chữ thập đỏ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An quan tâm và đem lại hiệu quả thiết thực. Ông Trần Văn Minh, 72 tuổi, ở xóm 2, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương. Ông bị nhiễm chất độc da cam, thuộc hộ gia đình chính sách, có bốn người con thì một người mất sớm, một người bị bệnh tâm thần, hai người còn lại không có việc làm ổn định và sống xa nhà. Hoàn cảnh khó khăn, ông và vợ sống trong ngôi nhà đã cũ nát từ lâu.
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình ông, Hội Chữ thập đỏ huyện Đô Lương đã trao số tiền 50 triệu đồng từ quỹ nhân đạo để giúp gia đình ông xây dựng nhà. Ông Minh cho biết: “Nhiều năm nay, sức khỏe yếu, đồng lương hưu chỉ đủ trả chi phí thuốc men, dù biết nhà đã dột nát nhưng gia đình chúng tôi vẫn chưa thể sửa sang lại. Nay được Hội Chữ thập đỏ cùng các tổ chức đoàn thể hỗ trợ tiền và vật liệu để giúp gia đình xây nhà mới, tôi vô cùng xúc động và biết ơn. Mùa mưa tới, chúng tôi không còn phải mang xô chậu ra hứng nước nữa”.
Hay như anh Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1987, với sức khỏe không ổn định, một mình nuôi hai con nhỏ ở xóm 4, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương. Ngày nhận ngôi nhà mới, anh không giấu được niềm xúc động, chia sẻ với mọi người: “Từ giờ, tôi chỉ còn lo làm lụng nuôi con ăn học, không phải ở trong căn nhà dột nát. Ngôi nhà Chữ thập đỏ đã mang đến sự vững tâm, ấm lòng cho những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”.
Bên cạnh hoạt động xây nhà Chữ thập đỏ thì hỗ trợ suất ăn dinh dưỡng cũng được các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong Tháng Nhân đạo, các cấp Hội đã phối hợp các đơn vị tổ chức nấu và tặng hơn 10.000 suất ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương là nơi nuôi dưỡng hơn 160 người bị bệnh tâm thần. Cứ tuần tự tháng hai lần, các cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ lại đến chuẩn bị và trao những suất ăn dinh dưỡng cho người bệnh. Trong Tháng Nhân đạo, Hội vận động thêm được nhiều tấm lòng nhân ái cùng tham gia nên những suất ăn được cải thiện hơn. Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền, 32 tuổi, được trung tâm chăm sóc từ năm 2017 chia sẻ: “Các anh chị cán bộ nơi đây xem mình như người thân, giúp cho tinh thần, sức khỏe mình ổn định hơn. Mỗi lần Hội Chữ thập đỏ hay các đoàn thiện nguyện tới, mình lại có thêm nguồn động viên để yên tâm điều trị”.
Chia sẻ về những hoạt động nhân đạo mà tỉnh Hội đã thực hiện, bà Nguyễn Lương Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong 6 năm qua, nhờ sự tham gia sôi nổi của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã gắn kết trợ giúp gần 60.000 địa chỉ nhân đạo với nguồn kinh phí trị giá hơn 40 tỷ đồng. Các công tác của Hội tạo hiệu quả ấn tượng, lan tỏa tính nhân văn, là dịp để những người làm công tác nhân đạo tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò cầu nối, điều phối, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất vươn lên trong cuộc sống”.
Cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ trao tặng suất cơm miễn phí đến người lao động nghèo tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: THANH TÂM) |
Tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, ngay từ sáng sớm, các hội viên Chữ thập đỏ phường Hòa An cùng Hội Nông dân phường đã có mặt để cùng nhau chuẩn bị cho bữa cơm trưa 0 đồng. Vào 10 giờ sáng, chiếc bàn nhỏ được đặt ngay trước cửa một quán cơm. Nhiều người lao động, xe ôm, người bán vé số… cũng đã có mặt, xếp hàng gọn bên góc đường để nhận.
Bà Nguyễn Thị Bê, ngụ tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), sinh sống bằng việc thu mua ve chai, vui mừng khi được nhận một phần cơm còn nóng hổi trên tay. Bà Bê vui vẻ chia sẻ: “Thật may quá, vừa nghỉ trưa tôi đã được mọi người tặng suất cơm. Như vậy tôi không phải lo đến bữa ăn trong ngày mà trên hết còn đón nhận được tình cảm, sự quan tâm, tấm lòng nhân hậu của mọi người nơi đây”.
Trong khoảng 30 phút, những phần cơm đã được phát hết. Ông Hồ Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa An cùng hội viên nhanh chóng đến gia đình ông Phan Văn Xin (tổ 51, phường Hòa An) để thăm hỏi. Đây cũng là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, được Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ trong ba năm qua với kinh phí 2 triệu đồng/năm. Biết hoàn cảnh hai vợ chồng ông Xin thường xuyên ốm đau, các hội viên đã mang cơm trưa đến trao tận tay gia đình.
“Bữa cơm 0 đồng” là một trong những hoạt động được Hội Chữ thập đỏ phường Hòa An đăng ký triển khai thực hiện trong Tháng Nhân đạo năm nay. Theo đó, 500 suất cơm được Hội thực hiện trong tháng dành cho người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần thực hiện chỉ tiêu 10.000 suất cơm 0 đồng trao tặng bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, người lao động nghèo, các đối tượng yếu thế… do Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng đề ra trong Tháng Nhân đạo năm 2024. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Tiến Lâm cho biết: “Trong tháng nhân đạo, mỗi đơn vị Hội đã chủ động thực hiện các hoạt động, mô hình phù hợp thực tế, trong đó nhiều hoạt động, mô hình tiếp tục được duy trì và đáp ứng nhu cầu cần thiết của cộng đồng”.
Lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp
Tại tỉnh Vĩnh Long, Tháng Nhân đạo năm 2024, các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiều hoạt động, đạt 50 tỷ đồng, giúp hơn 10.000 lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, tạo phong trào tương thân, tương ái rộng lớn trong cộng đồng, mang lại điểm nhấn và kết quả nổi bật so với các hoạt động nhân đạo thường xuyên.
Riêng trong đợt cao điểm, tỉnh Hội vận động và thực hiện các công trình nhân đạo cấp tỉnh như: Cấp phát thiết bị lọc nước không thu phí giai đoạn hai trị giá hơn 41 tỷ đồng; trao 500 suất học bổng tặng các em học sinh, sinh viên khó khăn; cung cấp nước sạch, trao tặng bồn chứa nước sạch giúp người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán xâm nhập mặn; xây dựng cầu giao thông nông thôn, triển khai mô hình Kho thực phẩm cộng đồng vì mục tiêu chống lãng phí và phân phối thực phẩm cho người yếu thế…
Thực hiện Tháng Nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ thị xã Bình Minh phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Điểm nổi bật ở các địa phương tại thị xã Bình Minh là mô hình đội vá đường thuộc các xã, phường do Hội Chữ thập đỏ làm nòng cốt.
Đội vá đường xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh có gần 20 thành viên, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó trung bình khoảng 50-60 tuổi, có cụ hơn 70 tuổi cũng tham gia rất nhiệt tình. Ông Trần Văn Sơn, 70 tuổi, ngụ ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh cho biết: “Tôi đã tham gia đội vá đường này hơn 5 năm nay. Trước kia, đường sá qua khu vực nhà tôi bị xuống cấp, rất khó đi, nhất là các em học sinh và người dân vận chuyển trái cây rất khó khăn. Khi con đường được mọi người dặm vá lại, người dân ai nấy rất phấn khởi”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thạnh Lê Thanh Sơn cho biết: “Việc sửa chữa của đội vá đường thiện nguyện do Hội Chữ thập đỏ làm nòng cốt đã phát huy được giá trị tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, nhất là mùa mưa bão sắp tới. Các thành viên của đội thường xuyên đi kiểm tra đoạn đường nào xuống cấp cần phải sửa chữa là mọi người bắt tay vào làm ngay với sự nhiệt huyết, có trách nhiệm cao vì cộng đồng”.
Năm 2024, Tháng Nhân đạo còn mang thông điệp ý nghĩa về một hành trình nhân ái gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc, tri ân các thế hệ đi trước bằng các hoạt động, công trình, phần việc nhân đạo, hỗ trợ, giúp đỡ những người dân, trẻ em sinh sống ở vùng khó khăn trên hành trình về nguồn tại các di tích lịch sử, văn hóa. Điểm nhấn trong Tháng Nhân đạo 2024 là Chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái”. Mỗi bước chân của các tổ chức, cá nhân tham gia truyền tải thông điệp nhân ái về hiến máu, hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người, bảo vệ môi trường và gây quỹ để thực hiện các công trình, phần việc nhân đạo giúp cho những trẻ em khó khăn, khuyết tật và những người dân nghèo.
Sau gần hai tháng triển khai chiến dịch, đã có gần 100.000 người tham gia, chinh phục hơn 2,5 triệu ki-lô-mét và đã huy động được 16,2 tỷ đồng để triển khai các hoạt động nhân đạo hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ba tỉnh: Thái Nguyên, Sơn La và Điện Biên. Toàn bộ nguồn lực từ doanh nghiệp và các cá nhân được sử dụng để khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe miễn phí cho hơn 9.400 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên; xây dựng 10 bếp ăn tặng các trường mầm non, tiểu học của tỉnh Điện Biên; hỗ trợ sinh kế cho 82 hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, hỗ trợ dinh dưỡng và điều kiện học tập cho hơn 7.000 học sinh…
Với những hoạt động ý nghĩa, nhân văn, Tháng Nhân đạo 2024 thật sự là hành trình “chở đầy” tinh thần nhân đạo, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc thiện trong xã hội. Tháng Nhân đạo đã trở thành điểm nhấn ghi đậm dấu ấn quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thu hút đông đảo người dân tham gia và đánh dấu kết quả vận động nguồn lực cao nhất, đối tượng được trợ giúp nhiều nhất, các công trình, phần việc, hoạt động nhân đạo được triển khai hiệu quả và thiết thực nhất các tháng trong năm.