Vận chuyển thùng y tế đựng mô tạng lên máy bay.
"Báo cáo các anh, chị! Trái tim của người hiến đã đập lại trong cơ thể mới!". Chỉ một dòng tin nhắn ngắn ngủi từ Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia gửi tới nhưng đã khiến cả ê-kíp thực hiện chuyến bay chở tạng số hiệu VN1376 của Vietnam Airlines ngày 6/5/2022 vỡ òa niềm vui hạnh phúc xen lẫn những giọt nước mắt. Người hiến tạng là một nam thanh niên 19 tuổi, bị tai nạn giao thông. Gia đình anh đã nén đau thương, đồng ý hiến tạng để một phần cơ thể anh được sống lại theo cách thật ý nghĩa. Người nhận trái tim của anh là một người đàn ông 34 tuổi ở Thừa Thiên Huế.
Thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ năm 1992 tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), nhưng khoảng mười năm trở lại đây, ngành y tế Việt Nam mới thực hiện các ca hiến-ghép tạng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, do người hiến tạng có chỉ số phù hợp người tiếp nhận tạng thường ở khoảng cách khá xa, nên phát sinh nhu cầu ghép tạng xuyên Việt và cũng vì thế hành trình vận chuyển tạng buộc phải thực hiện bằng đường hàng không để bảo đảm nhanh nhất.
Vào một chiều tháng 9/2015, GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia cùng ê-kíp y, bác sĩ vận chuyển tạng có mặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đưa một quả tim được hiến về Hà Nội, để ghép cứu sống một bệnh nhân cần ghép. Tuy nhiên, do không biết được chính xác giờ thực hiện ca mổ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho nên ê-kíp đã không thể đặt vé chuyến bay về Hà Nội từ trước. Thời gian gấp rút, cả ê-kíp quyết định cứ ra sân bay. Tình cờ mà như cơ duyên, một nhân viên phục vụ mặt đất của Vietnam Airlines đã nhận ra bác sĩ Sơn vì đã từng được bác sĩ điều trị cho người nhà trước đó nên đến tận nơi chào hỏi. Khi được biết bác sĩ Sơn và ê-kíp đang tìm một chuyến bay sớm nhất về Hà Nội để kịp ghép tim cho bệnh nhân, nhân viên này đã lập tức báo cáo với lãnh đạo cấp trên để xin ý kiến và phương án giải quyết. Lúc này đang giờ cao điểm, đoàn y, bác sĩ có gần 10 người cho nên rất khó để lấy được đủ chỗ trên máy bay chuẩn bị cất cánh, đặc biệt là phải tìm vị trí tốt nhất cho thùng chứa tạng, bảo đảm thuận tiện nhất cho bác sĩ bơm dung dịch bảo quản, giúp tạng không bị hoại tử tế bào. Chỉ một thời gian ngắn, với sự nỗ lực hơn 200% công suất của các bộ phận liên quan, ê-kíp của GS, TS Trịnh Hồng Sơn đã lên chuyến bay sớm nhất về Hà Nội, kịp thực hiện ca phẫu thuật ghép tim thành công cho bệnh nhân.
Từ câu chuyện may mắn buổi đầu tiên ấy, Vietnam Airlines và Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia đã cùng nhau xây dựng quy trình phục vụ vận chuyển tạng cấp cứu, với chủ trương ưu tiên bố trí chuyến bay miễn phí tạng cần vận chuyển trên khoang thương gia và các thiết bị đi kèm. Ðến tháng 7/2018, hai bên đã chính thức ký thỏa thuận hỗ trợ vận chuyển bằng đường hàng không cho công tác điều phối vận chuyển mô tạng trên cả nước. Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ tối đa các thủ tục vận chuyển mô tạng và miễn phí ghế ngồi cho thùng đựng mô tạng trong quá trình điều phối mô tạng của Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia. Bên cạnh đó, hãng cũng chủ động xây dựng quy trình riêng cho hoạt động vận chuyển mô tạng, cũng như thành lập nhóm xử lý cấp tốc những tình huống hỗ trợ khẩn cấp theo thời gian thực tế. Từ đây, sẽ không còn cảnh "chữa cháy" trong tình huống cần vận chuyển tạng cấp cứu phục vụ y tế, các bên chủ động hơn khi xử lý những trường hợp phát sinh.
Năm 2018, một quân nhân giải ngũ 30 tuổi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, anh rơi vào hôn mê và sau đó chết não. Ðược các bác sĩ động viên, gia đình anh đã đồng ý hiến tim, gan, thận và hai giác mạc của anh, đem lại sự sống cho người khác. Trong đó, quả tim của anh được tặng cho một người đàn ông ở Huế. Khi thấy chiếc hộp y tế đựng tim của anh đặt ngay ngắn trên ghế máy bay, một người cháu đã thốt lên: "Ðây là lần đầu tiên, cậu được đi máy bay!". Câu nói đã khiến cho những nhân viên Vietnam Airlines tham gia hỗ trợ chuyến bay đều cảm thấy cay sè nơi sống mũi. Những câu chuyện cảm động, trên hành trình mang sứ mệnh "hồi sinh sự sống", các phi công, tiếp viên vẫn thường gặp, lần nào cũng khiến họ rưng rưng nước mắt.
Hãng hàng không VietnamAirlines hỗ trợ tối đa các thủ tục vận chuyển mô tạng.
Với những chuyến bay vận chuyển tạng hiến, thời gian là yếu tố sống còn. Từ khi lấy tạng ra khỏi cơ thể người cho, đến khi thực hiện phẫu thuật ghép vào cơ thể người nhận, "khung giờ vàng" cho phép kéo dài tối đa sáu tiếng đồng hồ. Vì thế, yêu cầu vận chuyển tạng an toàn, nhanh chóng tới các địa điểm thực hiện phẫu thuật cấy ghép là một cuộc chạy đua với thời gian âm thầm nhưng hết sức khốc liệt của đội ngũ Vietnam Airlines. Từ khâu xuất vé, hành lý, hỗ trợ qua an ninh đến việc bố trí ghế chuyến bay đều được "kích hoạt" chế độ ưu tiên cho ê-kíp bác sĩ vận chuyển tạng hiến. Tuy nhiên, khó nhất của quy trình là chuẩn bị máy bay thế nào để bảo đảm kỹ thuật tối ưu và đúng giờ nhất so với dự kiến của bác sĩ để thời gian vận chuyển ở hai đầu phòng mổ lấy tạng-ghép tạng nằm gọn trong "khung giờ vàng" bảo quản. Ðiều đó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, gấp rút và chính xác của rất nhiều bộ phận như: Ban Dịch vụ hành khách, Trung tâm điều hành khai thác, Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS), Ðoàn tiếp viên, Ðoàn bay, Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO),… và các trung tâm khai thác tại sân bay.
Ðể tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn, sẽ có xe chuyên chở Ðoàn ra máy bay. Tại cầu thang lên máy bay, Vietnam Airlines bố trí đội ngũ hỗ trợ ê-kíp y, bác sĩ đặt thùng chứa tạng ở vị trí thuận lợi nhất cho quá trình theo dõi. Trong một chuyến bay chở tạng vào tháng 9/2018, tổ bay và ê-kíp y, bác sĩ từng quyết định đặt hộp chứa tạng vào tủ bếp phía trước của máy bay. Ở vị trí này, các thùng được cố định vào sàn bếp khá rộng rãi để các bác sĩ có thể đến kiểm tra khi cần thiết. Trong quá trình bay, phi công phải điều khiển máy bay di chuyển tránh các vùng mây nhiễu động để giảm xóc lắc thấp nhất có thể, còn các tiếp viên được yêu cầu phối hợp tốt nhất với các bác sĩ khi xảy ra tình huống phát sinh. Mỗi cá nhân tham gia quá trình phục vụ chuyến bay luôn ý thức được rằng, mình đang tham gia vận chuyển tài sản vô giá, mang lại sự sống cho những người bệnh đang từng ngày, từng giờ chờ đợi được ghép tạng. Mỗi giây phút chậm trễ của mình, sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh cũng như ước nguyện tốt đẹp của người hiến tặng. Nhiều người công tác tại Vietnam Airlines đã chia sẻ: "Trong cuộc đời làm nghề, khoảnh khắc xúc động nhất là bản thân mình được tham gia vào hành trình đặc biệt chở tạng và biết được phần tạng hiến đã hoạt động bình thường trong cơ thể người nhận".
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng hiến. Việc vận chuyển bằng đường hàng không dân dụng có thể gặp khó khăn như một số địa phương không có sân bay hoặc không có chuyến bay vào đúng thời điểm tạng hiến cần vận chuyển xa. Ðiều đó khiến cho việc di chuyển trở nên phức tạp và các rủi ro xuất hiện nhiều hơn trong quá trình vận chuyển bằng các phương tiện để tới sân bay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ cao cả này của ngành Y tế, Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia và Vietnam Airlines đã cho thấy sự chuyên nghiệp, tiến bộ và tận tâm trong phối hợp nhuần nhuyễn và ăn ý. Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thậm chí còn ngạc nhiên vì không hiểu sao Việt Nam lại có thể tổ chức được một hệ thống hoàn hảo như vậy để giờ giấc bảo quản được thời gian tạng tối ưu,… đến thế. GS, TS Trịnh Hồng Sơn đánh giá: Cho đến nay, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất ở Việt Nam phối hợp vận chuyển mô, tạng với Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia. Việc hợp tác hiệu quả thời gian qua không chỉ đơn thuần là sự kết hợp giữa hai đơn vị mà còn cho thấy sự tận tâm, nhiệt huyết trong công việc cũng như lòng nhân ái của cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines. Sự phối hợp nhịp nhàng, kết nối liên tục giữa hai bên không chỉ là trách nhiệm trong công việc, mà còn vượt ra ngoài trách nhiệm, chạm vào lòng trắc ẩn trong mỗi con người trước những điều tốt đẹp của cuộc sống, trước lằn ranh sinh tử của các số phận con người. Tất cả đã thôi thúc để toàn hệ thống của hai đơn vị tìm ra cách thức để những hành trình "nối dài" sự sống đó đúng giờ và bảo đảm tuyệt đối an toàn.