Hồi sinh sự sống cho nhiều người bệnh
Đ.V.Th là niềm hy vọng cuối cùng của gia đình vô cùng hoàn cảnh, neo đơn khi anh trai của Th. đã mất vì tai nạn giao thông 16 năm trước. Mẹ của Th. cũng vì bệnh trọng qua đời từ hơn 1 năm trước. Cuộc sống 2 bố con nương tựa vào nhau. Bố Th. luôn thúc giục con trai mình yên bề gia thất để ông có cháu nội bế ẵm.
Thế nhưng, những bi kịch nối tiếp đến với gia đình Th. khi không may bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về. Th. được gia đình chuyển đến Bệnh viện huyện Dân Lập, Phú Thọ, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Tình trạng của Th. quá nặng, mặc dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng, Th. rơi vào tình trạng chết não. Khi biết Th. không thể qua khỏi, với sự vận động của Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gia đình đã đồng ý hiến mô/tạng của Th. để hồi sinh sự sống cho những người bệnh nặng.
Do sức khỏe yếu nên bố của Th. không thể có mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để gặp Th. trong những giây phút cuối của cuộc đời, chỉ có chú ruột và em họ của Th. túc trực tại bệnh viện.
Các bác sĩ tiến hành lấy tạng hiến. |
Th. ra đi, đã hiến tặng tim để hồi sinh sự sống cho một bệnh nhân ở Huế và hiến tặng gan, 2 thận cho 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Những kỳ tích nối dài sự sống
Từ tạng hiến của Th., Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thực hiện điều phối tạng: Trái tim của Th. được chuyển tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho một bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn-suy tim 13 năm. Hành động nhân văn đó đã tiếp tục lập kỳ tích thêm 1 ca ghép tim xuyên quốc gia từ Hà Nội vào Huế thành công.
Trên cổng thông tin chính thức, Hãng đã chia sẻ: “Ngày hôm nay, 159 hành khách bay tới Huế đã phải chờ đợi 23 phút để được cất cánh. Mong rằng bạn đã không phiền lòng và mệt mỏi. Bởi có một cuộc đời ở Huế, đêm nay, hy vọng sẽ được viết tiếp, nhờ một trái tim đã gấp gáp chạy đua với thời gian để lên tàu cùng chúng ta, cùng ekip ghép tạng, bền bỉ từng nhịp đập đợi hạ cánh và đến được tới cửa phòng cấp cứu.
Ngày hôm nay, 23 phút quý giá của bạn có thể sẽ làm nên kỳ tích. Bamboo Airways chân thành cảm ơn bạn!”.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ban đầu các bác sĩ đã tính toán sát thời gian để phẫu thuật lấy tim hiến đưa đến sân bay Nội Bài kịp thời máy bay cất cánh. Thế nhưng thời gian cuộc phẫu thuật đã kéo dài hơn so với dự kiến.
Nhiều phương án được đặt ra, trong đó có phương án đưa quả tim lên một chuyến bay khác muộn hơn và hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng lên xe cấp cứu vượt hơn 100km về Huế đã được tính đến. Nhưng bốn giờ đồng hồ là khoảng thời gian tốt nhất để quyết định thành công của một ca mổ ghép tim.
Bệnh nhân ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế hồi phục ngay ngày đầu sau phẫu thuật |
Vì vậy, ê-kíp Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã liên lạc với Hãng hàng không Bamboo Airways - chuyến bay cuối cùng trong ngày từ Hà Nội về Huế. Với sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hãng hàng không Bamboo Airways, đã thực hiện hành trình đặc biệt “chạy đua” với thời gian chở theo trái tim từ Hà Nội và Huế.
Chuyến bay sau đó đã tạm hoãn cất cánh và phi hành đoàn đã nói rõ lý do với 159 hành khách. 159 hành khách bay tới Huế đã vui vẻ chờ đợi 23 phút để cất cánh cùng một trái tim “đặc biệt”.
23 phút chờ đợi của hành khách trên chuyến bay ấy đã thực sự làm nên kỳ tích. Người được ghép tim là anh T.V.G. (31 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) đã có cuộc sống mới kỳ diệu. Một ngày sau ca mổ, mọi chỉ số sinh hóa dần ổn định, tim đập tốt.
Niềm hy vọng và sự sống còn tiếp tục mở ra khi 2 bệnh nhân ghép thận và 1 bệnh nhân ghép gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng được hồi sinh từ tạng hiến của chàng trai Phú Thọ.
Theo bác sĩ Hoàng Tuấn, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân nhận gan năm nay 48 tuổi, có tiền sử viêm gan B, dẫn đến suy gan trầm trọng và có chỉ số tương thích để nhận gan hiến. Bệnh nhân sau ghép hồi phục nhanh.
Về 2 ca nhận thận hiến, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Nguyên Vũ, Phó Giám Đốc Trung tâm Ghép Tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ đã ưu tiên thận hiến cho người bệnh suy thận nhiều năm.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Nguyên Vũ – Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang thăm khám cho bệnh nhân ghép thận sau 12 ngày phẫu thuật. |
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam, 37 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt. Anh trai của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đã từng được bố hiến một quả thận. Đến nay, bệnh nhân này cũng rơi vào tình trạng suy thận mạn, chạy thận từ năm 15 tuổi, nếu không có thận hiến, chàng trai này sẽ phải đối mặt với cái chết mòn. May mắn, các chỉ số của bệnh nhân tương thích với người hiến nên sau khi nhận thận, bệnh nhân đã có một cuộc sống mới.
"Đây là một phép màu kỳ diệu cho gia đình có 2 anh em đều bị thận nặng. Việc cho đi của Th. là một nghĩa cử cao đẹp", bác sĩ Vũ cho hay.
Trường hợp nhận thận thứ hai là một nữ bệnh nhân cao tuổi, suy thận rất nặng. Điều đặc biệt là bệnh nhân nữ này rơi vào nhóm hiếm, tức là bệnh nhân hiến thận và nhận thận đều cùng nhóm máu. Sau 3-4 ngày được ghép thận mới, bệnh nhân đã hết tình trạng suy thận, trở về chỉ số bình thường. Các bác sĩ đang tiếp tục điều trị thuốc để bệnh nhân ra viện theo như kế hoạch.
Th. đã khép lại tuổi thanh xuân khi nhiều ước mơ còn dang dở, nhất là khi chưa mang về cho gia đình một nàng dâu. Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp tại Phú Thọ, giờ chỉ còn lại bố Th. với một nỗi đau dai dẳng, cô quạnh. Thế nhưng, ông tin con mình vẫn còn đâu đó trên cõi đời này, với những tạng hiến đang hồi sinh sự sống cho nhiều cơ thể người bệnh khác.