Từ lần đầu thực hiện năm 2004, đến nay, hành trình tình nguyện trên đất Triệu Voi của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh để lại những dấu ấn, kỷ niệm khó phai, tiếp tục góp phần bồi đắp mối quan hệ Việt-Lào hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.
Sức trẻ và trách nhiệm kết nối
Trong quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp của mình, một trong những niềm vui, hạnh phúc nhất của Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bí thư Đoàn Thanh niên, bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi Biện Huỳnh San Đan có nhiều kỷ niệm, bài học từ năm lần tham gia chiến dịch tình nguyện tại Lào. Chị San Đan kể, lần đầu tiên là vào năm 2013, mỗi lần tham gia đều có những cảm xúc khác nhau nhưng những tình cảm, sự nhiệt tình, thân thiện mà người dân Lào dành cho các bạn trẻ Việt Nam đã đọng sâu trong ký ức mỗi chiến sĩ tình nguyện. Không gian mới, môi trường mới, Bí thư Đoàn San Đan cùng nhiều đồng nghiệp và chiến sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã dùng chuyên môn của mình cùng thực hiện những công việc hết sức ý nghĩa. Chị Đan nhớ những ngày tình nguyện bắt đầu từ 6 giờ sáng cho tới chiều muộn. Đó là những ngày cả đội hình di chuyển vật dụng, quà, thuốc, máy tính đến các địa phương xa xôi trên đất Lào để khám và phát thuốc cho người dân. Qua những điều thực tế đó, bản thân nữ bác sĩ này cũng tự nhủ bản thân cần phải cố gắng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn hơn nữa, cũng như phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ thành phố lan tỏa, truyền lửa tinh thần tình nguyện vì cộng đồng.
Tham gia hoạt động tình nguyện tại Lào, bạn Đàm Thị Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Mỹ Thuật vẫn nhớ cảm xúc tự hào, hân hoan về hành trình 14 ngày tình nguyện tại đây. Vì đây là lần đầu "xuất ngoại" cho nên trên đường đi, Xuân Nguyên vừa hồi hộp, vừa lo lắng về các nhiệm vụ nơi mình đến nhưng những cảm giác đó đã biến mất khi đoàn tình nguyện được nước bạn chào đón rất nhiệt tình, nồng hậu và gần gũi. Với sở trường về mỹ thuật, Xuân Nguyên cùng các đồng đội đã để lại trên đất bạn Lào những bức tranh trang trí đẹp mắt tại các phòng đọc sách, khu vui chơi sinh hoạt của trẻ em thiếu nhi tại các trường trên địa bàn tỉnh Attapeu và tỉnh Champasak. Có những ngày, khi chiều đã muộn nhưng công trình còn dang dở, cả đội lại quyết định "hết việc chứ không hết giờ" để nhận lại những niềm vui từ các em thiếu nhi, học sinh nơi đây. Cả với người nhiều lần tham gia như bác sĩ Biện Huỳnh San Đan hay lần đầu như bạn Đàm Thị Xuân Nguyên, bên cạnh hoạt động tình nguyện thì mỗi ngày trên đất bạn Lào là mỗi dịp để hiểu hơn về tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào và văn hóa, đời sống người dân nước bạn. Qua hành trình ý nghĩa đó mỗi chiến sĩ sẽ phát huy tốt hơn chuyên môn để cống hiến cho cộng đồng.
Nâng chất cho hành trình tình nguyện
Suốt hành trình 17 năm, các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai tại nhiều địa phương trên đất nước hoa Champa (Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, tỉnh Champasak, tỉnh Xiêng Khoảng,…). Từ chỗ chỉ vài chục chiến sĩ, đến nay, mỗi lần "hành quân" đội hình các chiến sĩ đã lên tới hàng trăm người. Mỗi một chiến sĩ được chọn đều luôn mang trong mình tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến, vì cộng đồng phục vụ. Ở hoạt động hỗ trợ y tế, bên cạnh các hoạt động tư vấn, khám bệnh, phát thuốc miễn phí thường niên, lần này, sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, các chiến sĩ tập trung khám, tầm soát, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cho người dân. Tham gia trong chuyến đi ý nghĩa đó, còn có nhiều y sĩ, bác sĩ từng xông pha trên tuyến đầu chống dịch, làm nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến trong đại dịch Covid-19 xảy ra trong nước. Ngoài ra, các hoạt động trọng tâm "truyền thống" khác như: Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và trao tặng chế phẩm nông nghiệp cho người dân; tập huấn kiến thức về nông nghiệp cho cán bộ làm công tác khuyến nông; hỗ trợ giảng dạy tiếng Việt, sinh hoạt thiếu nhi;… đã được các bạn trẻ triển khai với quyết tâm cao nhất. Ngày ngày chứng kiến sự nhiệt huyết của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, cô La Khon Kham, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hữu nghị Việt-Lào cho biết: Các bạn trẻ thông qua các hoạt động tình nguyện đã tạo thêm sự đoàn kết, gắn bó thân thiết giữa các giáo viên, học sinh và đoàn quân tình nguyện. Điều đó sẽ càng có ý nghĩa, bồi đắp thêm cho tình hữu nghị giữa hai nước.
Từng gắn bó với hoạt động tình nguyện trên đất Triệu Voi nhiều năm, anh Lê Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Mỗi công trình, phần việc tình nguyện đều được các bạn thực hiện bằng sự nỗ lực vượt mọi khó khăn để đem lại niềm vui, ý nghĩa cho tuổi trẻ và nhân dân miền đất hoa Champa. Hành trình 17 năm ấy, càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 là mốc son kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022). Những hành động của tuổi trẻ trên thành phố mang tên Bác đối với thanh niên, nhân dân nước bạn Lào đã góp phần khẳng định hơn nữa mối quan hệ keo sơn, bền chặt giữa hai nước Việt-Lào. Hành trình tình nguyện "xuyên biên giới" của tuổi trẻ thành phố đang thực hiện sẽ còn tiếp tục phát huy. Đó không chỉ là nhiệm vụ, là tinh thần của tuổi trẻ mà còn mang sứ mệnh ý nghĩa khác là gắn kết tuổi trẻ hai nước, hai dân tộc, phát huy những giá trị cao cả mà thế hệ cha anh đi trước để lại.
Trong chặng đường tiếp theo, anh Lê Hoàng Minh cho rằng, để hoạt động tình nguyện đạt hiệu quả cao hơn, các đội hình cần tiếp tục đa dạng hóa các loại hình và phương thức tổ chức hoạt động, trong đó, chú ý tính hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu, định hướng phát triển của địa phương. Các đơn vị cần thực hiện tốt việc tiền trạm, kết nối với địa phương; xác lập trách nhiệm tham gia thực hiện từng phần việc, công trình cụ thể với địa phương nước bạn. Ngoài ra, các đội hình cần phát huy tối đa kiến thức chuyên môn của thanh niên tình nguyện trong từng công trình, phần việc cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là có thống nhất trong phương thức chỉ đạo hoạt động, điều phối nhân lực để nâng cao chất lượng các công trình, phần việc cụ thể. Các đội hình cũng nên huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của cộng đồng Kiều bào Việt Nam tại Lào, thanh niên Lào học tập tại Việt Nam cùng tham gia các hoạt động tình nguyện hè tại Lào.
17 năm qua, các chiến sĩ trẻ tình nguyện của Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khám, phát thuốc cho hơn 56.000 người dân Lào; xây dựng và trao tặng 30 nhà hữu nghị "Tuổi trẻ Việt-Lào"; xây mới và trao tặng hai bể chứa nước sinh hoạt trường học, hai thư viện hữu nghị Việt-Lào, ba sân chơi thiếu nhi và chín sân thể thao; trao tặng hơn 18 nghìn phần quà cho người dân, thiếu nhi khó khăn; tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp,… cho tuổi trẻ và người dân Lào; tổng giá trị công trình, phần việc là gần 21 tỷ đồng.