Hành trang cho giai đoạn mới khi đại dịch Covid-19 "hạ nhiệt"

Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên bố kết thúc giai đoạn khẩn cấp của đại dịch Covid-19. Cột mốc này mang đến những hy vọng, song cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi EU chuẩn bị những hành trang cần thiết để bước sang giai đoạn mới và ngăn chặn nguy cơ “cơn bão” Covid-19 càn quét trở lại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Sau nhiều tháng kiên trì thực hiện các biện pháp phòng dịch chưa từng có tiền lệ nhằm ngăn Covid-19, EU tuyên bố khép lại giai đoạn khẩn cấp hứa hẹn mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống đại dịch của liên minh. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas ví von, với quyết định này, EU đang thay đổi vai trò, từ một người lính cứu hỏa ứng phó những tình huống khẩn cấp do đại dịch gây ra, sang một kiến trúc sư thiết kế và triển khai các kế hoạch hành động ở cấp quốc gia và châu lục để bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Một trong những lý do chính khiến EU đi đến quyết định nêu trên là đại dịch Covid-19 tại các quốc gia thành viên đã phần nào “hạ nhiệt”, tỷ lệ nhiễm và tử vong có xu hướng giảm. Ngoài ra, EU cũng đạt những kết quả tích cực trong chiến dịch “phủ sóng” vaccine. Hơn 70% số dân EU đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 và hơn 50% đã tiêm mũi tăng cường.

Sẵn sàng bước sang giai đoạn mới, song luôn thận trọng trước dịch bệnh là điều Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đặc biệt nhấn mạnh. Theo bà Leyen, EU đang chuyển sang giai đoạn kiểm soát dịch bệnh theo hướng bền vững hơn nhưng cũng cần đề cao cảnh giác vì số ca nhiễm còn ở mức cao. Hơn nữa, các biến thể mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và lây lan nhanh chóng. Các nước nên có kế hoạch để nhanh chóng trở lại trạng thái khẩn cấp khi cần thiết. Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas cũng khẳng định, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, tinh thần cảnh giác và sự chuẩn bị kỹ lưỡng vẫn là “vũ khí” quan trọng giúp EU vững vàng đối mặt những nguy cơ từ dịch bệnh.

Với tinh thần nêu trên, EC đã đề xuất một số giải pháp bảo vệ người dân trước nguy cơ đại dịch bùng phát mạnh trở lại. Theo đó, tiêm vaccine vẫn là ưu tiên hàng đầu. EC khuyến nghị các nước tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm phòng, nhất là cho trẻ em khi năm học mới đang đến gần. Việc phát triển các loại thuốc kháng virus cũng như các thế hệ vaccine mới cũng được EC đặc biệt chú trọng. EU đã cấp phép sử dụng thuốc viên kháng virus của Pfizer và Merck & Co. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc còn hạn chế, do một số nguyên nhân như giá cao và các quy trình kê đơn phức tạp.

Một điểm đáng chú ý trong gói giải pháp mà EC đưa ra là điều chỉnh hoạt động giám sát đại dịch. Cụ thể là, thay vì xét nghiệm hàng loạt, các nước chuyển hướng sang tập trung nguồn lực nghiên cứu những trường hợp điển hình nhất, để thu thập thông tin đáng tin cậy về mức độ lây nhiễm và hiệu quả của vaccine. EC cũng sẽ chung tay trong nỗ lực củng cố mạng lưới các phòng thí nghiệm trên khắp EU, nhằm phát hiện sớm các biến thể mới.

Các nhà phân tích cho rằng, bắt đầu một giai đoạn mới là bước chuyển cần thiết để EU kiểm soát đại dịch theo hướng bền vững hơn. Trong giai đoạn mới này, tiêm chủng đầy đủ cho người dân, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, phát triển các loại vaccine thế hệ mới… sẽ là những hành trang cần thiết để EU vững bước đẩy lùi dịch bệnh.