Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống”

NDO -

ThS, BS nội trú Trần Anh Đức là một bác sĩ sản khoa trẻ có gương mặt thiện cảm và một trái tim đầy nhiệt huyết, luôn truyền cảm hứng tích cực cho các sản phụ. Rất nhiều sản phụ ở trong giai đoạn khó khăn nhất ở những tháng thai kỳ, đều cảm thấy an yên như được tìm đến với một người anh trong gia đình, yên tâm dưỡng thai cho đến khi sinh nở thành công. Trần Anh Đức vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của TP Hà Nội năm 2020.

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống”

HẠNH PHÚC KHI "ƯƠM MẦM CUỘC SỐNG"

ThS, BS nội trú Trần Anh Đức là một bác sĩ sản khoa trẻ có gương mặt thiện cảm và một trái tim đầy nhiệt huyết, luôn truyền cảm hứng tích cực cho các sản phụ. Rất nhiều sản phụ ở trong giai đoạn khó khăn nhất ở những tháng thai kỳ, đều cảm thấy an yên như được tìm đến với một người anh trong gia đình, yên tâm dưỡng thai cho đến khi sinh nở thành công. Trần Anh Đức vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của TP Hà Nội năm 2020.

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống” -0
...

CHINH PHỤC NHỮNG ĐỈNH CAO TRONG LĨNH VỰC SẢN BỆNH

Thành tích nổi bật nhất của Trần Anh Đức để được vinh danh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của Hà Nội, chính là những thành tựu nghiên cứu khoa học.

Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, học bác sĩ nội trú tại BV Phụ sản Trung ương và BV Phụ sản Hà Nội, Đức đã được tham gia vào nghiên cứu nhiều đề tài khoa học.

Đức là thành viên của nhóm nghiên cứu của sáng kiến cải tiến: “Sử dụng Logo nhận diện nhân viên đón bé tại khoa A3 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2018”. Sáng kiến đã được nghiệm thu tháng 11-2018 và được hội đồng đánh giá rất cao về tính thực tiễn. Sáng kiến này đã được áp dụng thường quy tại khoa Sản thường A3 giúp các sản phụ và gia đình nhận diện được nhân viên đón bé, tăng cường tính an toàn cho trẻ sơ sinh trong quá trình nằm viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Nội trú Trần Anh Đức (sinh năm 1989), Khoa Sản bệnh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), có nhiều đề tài, sáng kiến kỹ thuật về sản khoa được nghiệm thu và ứng dụng.

Trước tình trạng tỷ lệ sản phụ đẻ mổ ngày càng nhiều khiến gia tăng khuyết sẹo mổ lấy thai ở cơ tử cung dẫn đến tình trạng vô sinh, ra máu rong huyết giữa chu kỳ kinh, Đức cùng các đồng nghiệp tại BV Phụ sản Hà Nội đã thành công trong nghiên cứu áp dụng giải pháp soi buồng tử cung để điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai. Kỹ thuật này giúp người bệnh giảm triệu chứng, có thai tự nhiên, ra viện trong ngày. Kết quả của đề tài đã được báo cáo tại nhiều Hội nghị về Sản phụ khoa lớn trên thế giới.

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống” -0
 

Ngoài ra, Đức cũng cùng tham gia nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu thực trạng Mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 2018 theo phân loại Robson”, bước đầu đưa ra các giải pháp giảm tỷ lệ mổ lấy thai, đặc biệt ở các sản phụ mang thai lần đầu. “Nghiên cứu tình trạng đau bụng kinh của các sinh viên cao đẳng, đại học thực tập tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2020” là một nhánh của đề tài lớn hợp tác với giáo sư Khaleque Khan người Nhật Bản với mục đích phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh lý lạc nội mạc tử cung.

Hiện tại, bác sĩ Đức đang tham gia vào hai dự án nghiên cứu lớn về chủ đề “Khởi phát chuyển dạ ở các đối tượng sản phụ có nguy cơ thấp với tuần thai từ 39 tuần”. Đây là vấn đề cả thế giới đang quan tâm. “Thế giới nghiên cứu đã nghiên cứu các thai nhi chào đời ở thời điểm từ 39 tuần 0 này và 39 tuần 4 ngày là tốt nhất. Bên cạnh đó việc kết thúc thai nghén tại thời điểm này cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ mổ lấy thai. Vì thế, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đang xem thời điểm kết thúc thai kỳ này có hợp lý với cộng đồng sản phụ ở Việt Nam hay không, và phương pháp khởi phát chuyển dạ (cho thai ra) nào là tối ưu ở thời điểm như vậy?”, Đức kể.

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống” -0
 

Điều mà bác sĩ trẻ này mong mỏi nhất là khi hết dịch Covid-19 sẽ được đi học thêm nhiều kiến thức tại các nước có nền y học phát triển đặc biệt trong đó là lĩnh vực về can thiệp y học bào thai, để tiếp tục cùng các đồng nghiệp tại BV Phụ sản Hà Nội chinh phục những kỹ thuật khó hơn như xử lý bệnh lý bất thường tim, đặt ống dẫn lưu trong bệnh lý tràn dịch màng phổi, truyền máu cho những trẻ thiếu máu trong bào thai…

Thêm vào đó, cùng với chủ trương của Ban Giám đốc bệnh viện là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, đưa nền y học Việt Nam đến gần bạn bè thế giới, Đức cùng các đồng nghiệp đang trau dồi ngoại ngữ mỗi ngày, tiến tới sẽ giao ban hằng ngày bằng tiếng Anh.

BÁC SĨ NHÂN ÁI CỦA CÁC SẢN PHỤ

Năm 1990, chỉ chưa đầy một tuổi, Trần Anh Đức ngơ ngác khi thấy mình và mẹ bị gia đình nhà nội chối bỏ. Đức đã lớn lên trong nỗi cơ cực của mẹ và trong vòng tay ông bà ngoại. Những năm tháng dần khôn lớn, Đức biết rằng, mình phải phải trở thành chỗ dựa cho mẹ. Em tự hứa với lòng mình, phải học thật tốt, phải trở thành một người có ích cho xã hội.

Năm lớp 5, Đức bắt đầu xa nhà, bước vào hành trình chinh phục các kiến thức khó để nuôi ước mơ trở thành một bác sĩ. Hành trang Đức mang theo chính là bài học mà ông ngoại và mẹ vẫn luôn dạy dỗ: “Con người ăn ở phải như bát nước đầy. Với bản thân mình có thể thiếu thốn nhưng với mọi người phải luôn đầy đặn. Mình sẵn sàng cho đi thì khi khó khăn sẽ luôn luôn có người khác sẵn sàng dang rộng vòng tay giúp đỡ mình”.

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống” -0
 

Đức bảo, có lẽ đó là lý do lớn nhất để em chọn nghề bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ sản khoa. “Những đứa trẻ nếu được giáo dục trong một môi trường tốt từ khi còn trong bụng mẹ, lớn lên sẽ góp ích nhiều cho xã hội. Tôi rất hạnh phúc khi nhìn các sản phụ sinh con khỏe mạnh, an toàn. Đặc biệt, mỗi lần giúp cho các sản phụ hiếm muộn giữ thai thành công, đó là niềm hạnh phúc không thể nói thành lời”, Đức kể.

Bác sĩ Trần Anh Đức là một trong những nam bác sĩ trẻ được các sản phụ đặc biệt yêu mến chính bởi gương mặt thiện cảm, nhân ái và có một tấm lòng hết mình vì người bệnh. Hạnh phúc lớn nhất của em là đồng hành cùng các sản phụ những ngày tháng nằm viện, giúp giữ những bào thai lớn lên từng ngày và chào đón các em bé ra đời khỏe mạnh. Có những sản phụ, đã chọn tên “Đức” để đặt cho con trai mình vì quá yêu quý sự tận tâm của bác sĩ trong suốt hành trình sinh nở.

Nhiều năm qua, Đức đã chinh phục được nhiều ca bệnh khó trong lĩnh vực sản bệnh như cùng ê-kíp mổ lấy thai cho sản phụ có rau cài răng lược, có nguy cơ tử vong cho mẹ cao. Trước đây các trường hợp này mổ đều phải cắt tử cung nhưng giờ tiến tới bảo tồn tử cung người sản phụ. Đức cũng đã kết hợp với Trung tâm chẩn đoán trước sinh điều trị cho những trường hợp hết ối, sau can thiệp bào thai, truyền ối…

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống” -0
 

Đức cũng đã từng trực tiếp giữ thai và đỡ đẻ cho một trường hợp một em bé song thai chào đời rất non tháng, sinh ra chỉ 600 gram ở tuần thai thứ 25. Sau bốn tháng nằm viện, giờ em bé nặng 3 kg và vừa mới được ra viện về với gia đình. Đọc những dòng tin nhắn hạnh phúc của người mẹ hiếm muộn sau bao gian truân vất vả ròng rã bảy tháng trời không được về nhà mà Đức cảm thấy thêm yêu nghề, yêu cuộc sống diệu kỳ này biết bao.

Ngày 19-3 vừa qua, Đức hồ hởi chia sẻ về một ca bệnh khó mà em và các đồng nghiệp vừa chinh phục là giữ thai thêm chín tuần cho một sản phụ có thai chậm phát triển và nguy cơ mất tim thai cao trong bụng mẹ. Từ tuần 25, cùng với tất cả sự kiên trì theo dõi, tận tâm chăm sóc, sản phụ đã sinh hạ một bé trai vào tuần 34, nặng 1150 gr, cháu đẻ ra khóc tốt chỉ phải thở ô-xy và đang tiếp tục theo dõi tại khoa Sơ sinh.

Chính vì tình yêu với con trẻ, nên Đức cũng rất nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng. Bác sĩ Trần Anh Đức đã tham gia và phát triển “Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận” thông qua chuỗi chương trình “Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cùng bé lớn khôn”.

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống” -0
 BS Trần Anh Đức thực hiện ca mổ lấy thai cho sản phụ có thai chậm phát triển ngày 19-3 vừa qua. 

Đức cùng các đồng nghiệp tổ chức các hoạt động từ thiện, đỡ đầu làng trẻ mồ côi SOS, lồng ghép giáo dục giới tính cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em đường phố thông qua chuỗi chương trình “Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trao nhận niềm tin cho em”. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục, bền bỉ, thể hiện được sự quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và lan tỏa lòng yêu thương trong cộng đồng.

Ngoài ra, Đức cũng luôn đi đầu trong các chương trình xây dựng kế hoạch hỗ trợ và cùng khởi tạo tổ chức SEFY (Sex Education For You) của các em học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, triển khai chương trình giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản cho các trẻ em tại cộng đồng, đã lan rộng ở Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Trong năm 2019 và 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng bác sĩ Đức đã thực hiện 11 chương trình cho các em học sinh tiểu học, THCS và THPT và trẻ em khó khăn trong cộng đồng.

Ấn tượng nhất năm qua là Đức cũng tham gia với Hội Phụ nữ trên địa bàn Hà Nội cũng như chương trình Sức khỏe sinh sản vị thành niên để giáo dục sức khỏe, giới tính cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em đường phố của tổ chức Rồng Xanh. “Có rất nhiều chuyện tưởng xa xôi, chỉ trên sách vở, nhưng khi được trao đổi với các em, chúng tôi mới thấy việc bị xâm hại tình dục là nguy cơ hiện hữu hằng ngày. Có nhiều bạn trẻ trai cũng bị xâm hại tình dục. Do đó, chúng tôi đã cung cấp các kiến thức, hướng dẫn giúp các em phòng, tránh, địa chỉ tin cậy có thể chia sẻ khi bị xâm hại tình dục”, Đức kể.

Hạnh phúc khi “ươm mầm cuộc sống” -0
 BS Trần Anh Đức vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của TP Hà Nội năm 2020.

Đức chia sẻ, em đang có một dự án nhỏ là muốn cung cấp kiến thức y học một cách đúng đắn hướng tới cộng đồng, trước tiên những kiến thức về sản phụ khoa, nhi khoa. “Những kiến thức trên mạng nhiều thông tin rác và mang tính chất quảng cáo nên tôi mong có một cộng đồng chuẩn về kiến thức này, kết nối bác sĩ sản, bác sĩ nhi mang lại kiến thức về chăm sóc sản khoa, sơ sinh một cách khoa học, hữu ích tới các mẹ và em bé, để làm sao phòng bệnh trước bằng kiến thức đúng đắn”, Đức tâm sự.

THIÊN LAM - Ảnh: V.Q