Hạnh phúc của người mẹ khuyết tử cung, cắt một bên vòi trứng

NDO - Từng bị cắt một bên vòi trứng, xén góc tử cung, giảm khả năng có con, chị N.T.T (TP Hồ Chí Minh) không thể tin mình có cơ hội được làm mẹ như bao phụ nữ khác. 
0:00 / 0:00
0:00
Sản phụ chào đón con đầu lòng.
Sản phụ chào đón con đầu lòng.

Chị Thùy kết hôn vào năm 2016. Sau cưới, họ mở cửa hàng bán mỹ phẩm, tạm gác kế hoạch sinh con để tập trung kinh doanh. “Lúc đó tôi rất tự tin, nghĩ có con lúc nào chẳng được” Thùy nói.

5 năm sau kết hôn, tin vui vẫn chưa đến với gia đình chị T. Chị nghĩ, cứ tập trung để xây dựng kinh tế trước rồi có con cũng chưa muộn. Vợ chồng đi khám, bác sĩ kết luận bình thường, khuyên điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi và du lịch để thoải mái tinh thần.

Kết hôn vào năm 2016, chị T. dành nhiều thời gian để tập trung kinh doanh, gây dựng kinh tế. Đến năm 2021, chị mới thụ thai lần đầu. Tuy nhiên, ở tuần thai thứ 7, chị T. thấy bụng đau nhói, linh cảm người mẹ thôi thúc chị đi khám sớm. Sau đợt xét nghiệm máu và siêu âm bụng, chị T. cầm trên tay tờ giấy kết luận mang thai ngoài tử cung, kích thước thai tương đương 7 tuần, buộc phải mổ.

Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, T. sốc khi bác sĩ thông báo cuộc mổ khó, bác sĩ phải cắt một vòi trứng, xén một góc tử cung để lấy khối thai ra và khâu lại. Bác sĩ khuyên hai vợ chồng phải kiêng tối thiểu một năm để tử cung liền sẹo, mới có thể mang thai.

Biến cố ấy khiến cô rơi vào trầm cảm nhẹ, thường xuyên nằm khóc, không muốn gặp gỡ ai trong gia đình.

Một năm sau, họ tiếp tục thả tự nhiên thêm 6 tháng nhưng không thể mang thai. Bi quan, T. đề nghị chồng ly hôn vì không thể làm tròn thiên chức làm mẹ do khiếm khuyết vòi trứng, tử cung. Chồng chị thương vợ, không đồng ý, cả hai tính đến việc ra nước ngoài nhờ người mang thai hộ, chi phí có thể tốn hàng tỷ đồng.

Đầu năm 2023, vợ chồng T. tìm đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh khám.

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Nhật Khang cho hay, T. đã cắt một bên vòi trứng, cơ hội mang thai tự nhiên giảm đi khoảng 50%. Vết sẹo trên tử cung không gây vô sinh, nhưng tăng nhiều biến chứng thai kỳ.

Vợ chồng T. được chỉ định thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Người vợ kích được 13 trứng, tạo được 8 phôi trong đó có 5 phôi tốt ngày 5.

Tháng 9/2023, chị T. được chuyển một phôi ngày 5 vào buồng tử cung, đậu thai. Tuy vậy, cô bị căng thẳng tâm lý, luôn ám ảnh, lo sợ thai ngoài tử cung một lần nữa lặp lại. Bác sĩ Khang phải động viên người mẹ vững tinh thần, khi em bé vào tổ, bám đúng vị trí tử cung, có tim thai, chị T. mới bớt lo.

Quá trình mang thai chị ốm nghén liên tục, cơ thể suy nhược, vài lần nhập viện để giữ thai. Người mẹ bỏ mọi công việc để chồng gánh vác, chuyên tâm ở nhà dưỡng thai.

Suốt thai kỳ chị được bác sĩ Mỹ Nhi theo dõi sát, kiểm tra, đánh giá sẹo tử cung trên siêu âm, tốc độ tăng trưởng thai. Ở tuần 38, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bắt con. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bé trai chào đời nặng 3,4kg. Sau khi kiểm tra, đánh giá vết mổ cũ và khâu vết rạch lấy thai, bác sĩ đánh giá sản phụ còn cơ hội sinh thêm con.

Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, sẹo mổ trên tử cung đa phần do mổ lấy thai, ngoài ra còn do mổ u xơ, mổ thai ngoài tử cung. Vết sẹo mổ cũ trên tử cung rất nguy hiểm khi mang thai cần phải được thăm khám, quản lý nghiêm ngặt.

Một nghiên cứu theo dõi 16.189 phụ nữ mang đơn thai ở Trung Quốc trong năm 2021, ghi nhận 2.756 (17,0%) trường hợp có sẹo mổ tử cung. Nhóm có sẹo mổ tử cung có tỷ lệ mắc nhau tiền đạo (6,4%), nhau thai bất thường (5,3%), sinh non (10,3%), xuất huyết sau sinh (3,4%), vỡ tử cung (9,4%), cắt tử cung (0,18%).

Để hạn chế tai biến sản khoa từ vết sẹo mổ tử cung, chỉ định mổ lấy thai chỉ thực hiện khi có chỉ định y khoa. Đối với thai phụ có vết sẹo trên tử cung cần khám sức khỏe sinh sản trước khi mang thai để bác sĩ tư vấn thời gian an toàn có thể mang thai trở lại, những nguy cơ gặp phải khi mang thai, điều trị bệnh lý có thể xảy ra.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai có vết mổ trên tử cung thì cần lưu lại thông tin vết mổ từ giấy xuất viện, tường trình phẫu thuật, tóm tắt bệnh án, gửi bác sĩ sản khoa xem xét khi đi khám thai. Lần mang thai sau không nên quá gần khi mẹ chưa kịp hồi phục sức khỏe.