Hành động để giảm tỷ lệ trẻ bị sinh non

NDO -

NDĐT - Sáng 15-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Công ty Abbott Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình ngày “Thế giới vì trẻ sinh non”.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản T.Ư tư vấn cho các bà mẹ sắp sinh con.
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản T.Ư tư vấn cho các bà mẹ sắp sinh con.

Đây là lần đầu hoạt động này được tổ chức tại Việt Nam nhằm hưởng ứng ngày “Thế giới vì trẻ sinh non” (17- 11) cũng như nâng cao nhận thức và kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề trẻ sinh non.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới năm tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới một tuổi. Nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là do: đẻ non/nhẹ cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%. Những nguyên nhân này lại có thể phòng tránh được bằng các can thiệp đơn giản như: chăm sóc/quản lý thai nghén; dự phòng đẻ non bằng liệu pháp corticoid; chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kanguroo, các liệu pháp chăm sóc và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ sinh non/nhẹ cân.

Đáng chú ý, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học tiên tiến trong chăm sóc, điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân, nhiều bệnh viện Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng ngay cả các trẻ sơ sinh chỉ mới 22 - 23 tuần tuổi hay những trẻ có cân nặng chỉ 500g…

Đặc biệt, Việt Nam là một trong tám nước trên thế giới được công nhận là đang trên đà đạt cả hai Mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5 là cải thiện sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em vào năm 2015. Với việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em này, đã có hàng trăm nghìn trẻ em dưới năm tuổi đã được cứu sống.

Trong lễ hưởng ứng “Ngày thế giới vì trẻ sinh non”, Bộ Y tế khẳng định chăm sóc trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng không những của Ngành Y tế mà còn là của Nhà nước đã được cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong bước tiến vượt bậc về cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em của toàn quốc, vẫn còn một số tồn tại cản trở đáng kể trong đó có hai vấn đề chính cần được sự quan tâm đặc biệt. Đó là sự khác biệt về sức khỏe bà mẹ trẻ em giữa các vùng, miền; tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới một tuổi và tử vong ở trẻ dưới năm tuổi.