Hành động bảo vệ tài nguyên đất

Trước cảnh báo gần 40% diện tích đất đai trên toàn cầu đang suy thoái, với diện tích đất mất đi mỗi giây ngày càng tăng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt để chấm dứt mọi hành vi tàn phá Trái đất.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ Senegal tham gia dự án vườn ươm cây giống. (Ảnh UN NEWS)
Phụ nữ Senegal tham gia dự án vườn ươm cây giống. (Ảnh UN NEWS)

Trong thông điệp nhân Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán (17/6), Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ, không chỉ cung cấp 95% lương thực cho thế giới, mà đất còn mang lại vô số lợi ích khác. Ðất còn là nơi xây dựng chỗ ở, tạo việc làm và sinh kế cho con người, cũng như bảo vệ cộng đồng trước tình trạng hạn hán, lũ lụt và cháy rừng ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, mỗi giây trôi qua, lại có diện tích đất tương đương 4 sân bóng đá bị suy thoái.

Với chủ đề “Ðoàn kết vì đất đai. Di sản của chúng ta - Tương lai của chúng ta”, Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán năm nay nêu bật nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ và khôi phục tài nguyên đất đai, bảo đảm sự phát triển bền vững và tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương, đầu tư cho các biện pháp quản lý đất đai tương lai, bảo đảm sự ổn định và thịnh vượng của hàng tỷ người trên thế giới.

Nhấn mạnh chủ đề trọng tâm của Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới “đoàn kết vì đất đai”, đồng thời hối thúc các chính phủ, doanh nghiệp, giới khoa học, cộng đồng và nhiều bên liên quan khác chung tay hành động.

Trong số 8 tỷ dân trên thế giới, hơn một tỷ thanh niên dưới 25 tuổi sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở các khu vực phụ thuộc trực tiếp vào đất đai và tài nguyên thiên nhiên để sinh sống.

Khẳng định Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc quy định rõ về những việc cần làm để giải quyết các vấn đề nêu trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất tăng cường nỗ lực, thúc đẩy động lực hướng tới Hội nghị các bên tham gia Công ước Chống sa mạc hóa, dự kiến diễn ra tại Riyadh (Saudi Arabia) vào tháng 12 tới, đồng thời bảo đảm tiếng nói của giới trẻ được lắng nghe trong các cuộc đàm phán. Ông Guterres nhấn mạnh: Cùng nhau, chúng ta hãy gieo hạt giống cho một tương lai thịnh vượng vì thiên nhiên và nhân loại.

Ngày 17/6, Kenya kỷ niệm Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán với thành quả đạt hơn 10% độ che phủ rừng. Chủ trì lễ kỷ niệm, lãnh đạo Bộ Môi trường, Biến đổi khí hậu và Lâm nghiệp Kenya cho biết, độ che phủ cây xanh của nước này đã tăng lên khoảng 12,3%, đồng thời nhấn mạnh đây là dấu mốc quan trọng trong việc giải quyết tình trạng sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán.

Khoảng 50.000 cây giống đã được huy động để trồng trên khắp Kenya nhân kỷ niệm ngày 17/6 năm nay. Chính phủ Kenya cũng đang thực hiện chiến dịch trồng 15 tỷ cây xanh cho tới năm 2032, nhằm tăng độ che phủ rừng và khôi phục hệ sinh thái, trong bối cảnh Kenya trải qua một số tác động tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu, trong đó có những trận mưa lớn sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất ở nước này trong 40 năm qua.

Trong khi đó, tại Syria, ông Muhammad Manhal Al-Zoubi, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên nước này cho biết, biến đổi khí hậu và bất ổn đã đẩy Syria đối mặt tình trạng sa mạc hóa trên diện rộng. Xung đột vũ trang cũng làm hư hỏng cơ sở hạ tầng thủy lợi, dẫn đến việc mất thêm thảm thực vật và làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa.