Liên quan đến vấn đề trên, các phụ huynh có con đang học song bằng tại 7 trường THCS trên địa bàn thành phố đã chính thức có đơn kiến nghị về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh gửi tới lãnh đạo Thành ủy, UBND cũng như lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội.
Lận đận như hệ song bằng trường công
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, từ năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai đào tạo thí điểm chương trình song bằng Cambrige và chứng chỉ IGCSE Cambrige tại 7 trường THCS công lập với tổng số 350 học sinh. Đó là các trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ), Thanh Xuân (Thanh Xuân), Cầu Giấy (Cầu Giấy), Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Trưng Vương và Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm) và trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Thời điểm này, để có thể vào được các lớp “thí điểm”, học sinh sẽ phải thực hiện 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực gồm: Toán bằng Tiếng Anh và bài Tiếng Anh, trong đó môn Tiếng Anh gồm phần viết (45 phút) và phần nghe (30 phút). Bài kiểm tra Toán theo chuẩn Hội đồng khảo thí quốc tế Cambrige.
Theo lộ trình, năm học 2021-2022 cũng là thời điểm lứa học sinh học chương trình song bằng đầu tiên tốt nghiệp THCS và bắt đầu bước vào kỳ thi lên bậc THPT. Đáng chú ý, trước đó, vào đầu tháng 5/2021, Báo Nhân Dân đã có bài phản ánh về sự chậm trễ trong việc ban hành các hướng dẫn liên quan đến kỳ thi chuyển cấp của hơn 350 học sinh theo học song bằng tại Hà Nội.
Tại thời điểm này, nhiều phụ huynh có con đang theo học hệ đào tạo song bằng tại Hà Nội đã rất lo lắng bởi mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra nhưng các sở, ngành liên quan của Thủ đô vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể. Các phụ huynh cho rằng, việc chậm trễ thông tin sẽ khiến học sinh mất đi sự chủ động trong lựa chọn nguyện vọng cũng như lên kế hoạch thi. Bên cạnh đó, tâm lý các em cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn, dẫn tới trạng thái hoang mang, lo lắng.
Ngay sau đó, ngày 6/5, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có thông báo về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng. Tại thông báo này, lãnh đạo thành phố Hà Nội thống nhất với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc “tăng quy mô tuyển sinh” ở hai trường THPT Chu Văn An và chuyên Hà Nội-Amsterdam, mỗi trường được tuyển 4 lớp với tổng số 200 chỉ tiêu.
Sau hơn 1 tháng mòn mỏi đợi chờ, tới ngày 10/6, tức là chỉ chưa đầy 3 tuần trước kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới đưa ra hướng dẫn chính thức. Đáng buồn thay, hướng dẫn này lại khiến các học sinh như “ngồi trên đống lửa”.
Bất chấp việc có ít nhất hơn 300 học sinh đang theo chương trình song bằng từ cấp THCS, trong hướng dẫn tuyển sinh số 1643/SGDĐT-QLT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn giữ nguyên chỉ tiêu 100 học sinh của 2 trường THPT Chu Văn An và Chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Học sinh hoang mang, phụ huynh lo lắng
Chị Nguyễn Thị Chung Thủy - một phụ huynh có con đang chuẩn bị bước vào kỳ thi “vượt vũ môn” đã không giấu nổi những giọt nước mắt của mình. Chị cho hay, sau văn bản thông báo kết luận của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội ngày 6/5 đồng ý với đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên gấp đôi so với các năm trước đây, các phụ huynh như chị đều rất mừng.
“Sau khi có công văn này, chúng tôi đều rất hồ hởi và tin tưởng nên xác định sẽ tiếp tục lựa chọn sẽ tiếp tục thi tiếp lên hệ song bằng cấp 3. Như lớp con tôi chỉ có 2 cháu lựa chọn bỏ hệ song bằng. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ cho 100 chỉ tiêu khiến tất cả đều rất sốc”, phụ huynh đang có con học hệ song bằng tại lớp 9C1 trường THCS Trưng Vương ngậm ngùi.
Phụ huynh Nguyễn Thúy Huyền cho biết thêm: Tại trường THCS Nghĩa Tân, do tin tưởng vào việc Hà Nội sẽ mở rộng chỉ tiêu nên có tới 2/3 số học sinh quyết định theo tiếp chương trình song bằng tại cấp 3.
“Bây giờ, thực tế chỉ còn 100 chỉ tiêu, mức độ cạnh tranh quá khốc liệt. Khi con hỏi, tôi không biết phải giải thích thế nào. Chỉ cách nhau hơn 1 tháng mà chỉ tiêu tuyển sinh đã khác biệt hoàn toàn. Cả các cháu lẫn phụ huynh đều vô cùng hoang mang”, chị Thúy Huyền chia sẻ.
Phân tích sâu hơn, anh Trần Việt Cường khẳng định: Hiện tại chỉ tiêu tuyển sinh đang quá thấp so với nguyện vọng đăng ký. Cụ thể, theo vị phụ huynh này, số lượng học sinh khối 9 của Chương trình Song bằng khoảng 350 em, chưa kể các thí sinh tự do. Điều này đã trực tiếp làm giảm tỷ lệ cơ hội các học sinh đã học song bằng từ bậc THCS có thể tiếp tục theo học chương trình tương tự tại bậc THPT.
“Chỉ tiêu 100 học sinh đã được áp dụng từ các năm trước, trước khi triển khai chương trình song bằng ở cấp 2. Nay, nhu cầu và lượng thì sinh đều tăng, đặc biệt lứa học sinh thí điểm đầu tiên đã tốt nghiệp nên theo tôi cần phải có sự điều chỉnh hợp lý, cần cân nhắc và tiếp nối để tạo cơ hội cho các cháu đã tham gia thí điểm từ năm 2018”, anh Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các phụ huynh, quyết định không tăng chỉ tiêu đưa ra quá muộn khiến học sinh và phụ huynh không kịp có lựa chọn khác. Tại thông báo ngày 9/6, Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay: “Ngoài 2 trường trung học phổ thông công lập là Trung học phổ thông Chu Văn An và Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, học sinh có thể đăng ký dự tuyển chương trình đào tạo song bằng vào các trường ngoài công lập có hệ Cambridge, như: Trung học cơ sở và trung học phổ thông Alfred Nobel; Trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Siêu; Trung học cơ sở và trung học phổ thông TH school; Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Việt Úc Hà Nội; Trung học cơ sở và trung học phổ thông Wellspring, Vinschool, Horizon…”.
Tuy nhiên, thực tế là do thông báo của Sở quá muộn nên hiện tại các trường nêu trên đã hoàn thành công tác tuyển sinh. Thông báo giờ chót không tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngược lại hoàn toàn với các thông tin trước đó đã khiến các gia đình hoàn toàn bất ngờ và bị động trong việc bố trí tìm trường cấp 3 để thi tuyển và học tiếp cho các con.
“Chúng tôi đề các cơ quan chức năng cân nhắc lại chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố và tăng thêm quy mô tuyển sinh đối với lớp 10 theo một chỉ tiêu hợp lý hơn (tỷ lệ 60% trên số lượng học sinh song bằng), tức là trường THPT Chu Văn An và trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam mỗi trường được tuyển sinh khoảng 100 học sinh chia thành 4 lớp”, đại diện các phụ huynh nhấn mạnh.
Lộ trình “tăng chỉ tiêu” đã được diễn ra như thế nào?
Trước đây, khi nhận thấy nếu không mở rộng Chương trình Song bằng cấp 3 sẽ gây khó khăn cho Chương trình song bằng cấp 2 đang triển khai, phụ huynh đã nhiều lần chủ động đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và đều nhận được hứa hẹn sẽ xem xét mở rộng Chương trình cấp 3 để tạo đầu ra cho cấp 2.
Cụ thể, ngày 23/4/2021, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã chủ trì cung cấp thông tin đến một số cơ quan báo chí về nội dung đang được dư luận quan tâm liên quan đến việc thực hiện Đề án Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội. Tại đây, lãnh đạo Sở đã hứa sẽ cân nhắc áp dụng tỷ lệ tuyển 60% học sinh Chương trình Song bằng, tương đương với tỷ lệ tuyển sinh vào các trường THPT công lập.
Tiếp đó, trong Thông báo số 189/TB-VP ngày 6/5/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về Kết luận của Phó Chủ tich UBND Thành phố Chử Xuân Dũng về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phần nội dung 1, Thông báo đã nêu “Thống nhất đề xuất của Sở GDĐT và ý kiến các đại biểu dự họp và giao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẩn trương hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến thường trực Thành ủy cho phép (i) kéo dài thực hiện Đề án thí điểm và (ii) tăng quy mô tuyển sinh đối với lớp 10 theo Đề án”.
Chiều 2/6/2022, tại hội nghị giao ban công tác tháng 5/2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã nhắc lại, về tuyển sinh vào lớp 10 học chương trình song bằng tú tài, Sở GDĐT đang trình UBND thành phố xin phép được tiếp tục tuyển sinh lớp 10 song bằng năm học 2022-2023 tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam với chỉ tiêu 4 lớp/trường.
Nhưng cuối cùng, ngày 10/6, hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level) năm học 2022-2023 của Sở GDĐT lại không tăng chỉ tiêu mà vẫn... giữ như các năm cũ.