Để kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa. Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: “Để kích cầu tiêu dùng, hệ thống siêu thị Central Retail đã triển khai chương trình “Vui Tết Việt”, giảm giá sâu từ 20-49%, áp dụng với hàng nghìn sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết và các sản phẩm thiết yếu khác...
Bên cạnh đó, hệ thống áp dụng chương trình Khóa giá đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (không áp dụng cho mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa). Sáu tuần trước Tết Nguyên đán, Central Retail cam kết giữ giá cố định như đã niêm yết đối với hơn 10.000 sản phẩm này”.
Hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức chương trình ưu đãi đồng giá từ 29 nghìn đến 199 nghìn đồng, áp dụng cho các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ gia dụng... Đồng thời, triển khai chương trình “Tươi ngon chất lượng cho món Tết Việt”, siêu thị Co.op Mart luân phiên giảm giá từ 10% đến 20% cho các sản phẩm thực phẩm tươi sống gồm thịt lợn, gầu bò, ba chỉ bò đông lạnh, tôm thẻ, cá diêu hồng, cá hồi... và các loại rau, củ, quả khác.
Hệ thống WinMart cũng giảm giá lên đến 50% cho hơn 600 sản phẩm, ngành hàng. Với chương trình “Trọn vị Tết to, không lo về giá”, đơn vị này triển khai chính sách chiết khấu các giỏ quà Tết từ 5% đến 8%, hỗ trợ miễn phí vận chuyển, nhiều mặt hàng được áp dụng chương trình mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1... Phó Tổng Giám đốc chuỗi WinMart Nguyễn Tiến Dũng cho biết, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm trong năm, WinCommerce đã chủ động các phương án dự trữ hàng hóa, tăng cường chương trình khuyến mãi và các ưu đãi độc quyền để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các nhóm hàng được ưu tiên dự trữ và bày bán gồm thực phẩm thiết yếu như rau, thịt, gạo, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, măng, miến, hạt khô và các mặt hàng khác như hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng...
Tuy triển khai nhiều chương trình giảm giá, nhưng lượng khách đến mua sắm Tết tại các siêu thị đến nay chưa tăng mạnh. Chị Lương Thu Trang (ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Năm nay, tôi thấy hàng hóa khá dồi dào, không chỉ trong siêu thị, các chợ, cửa hàng mà cả trên các sàn thương mại điện tử cũng phong phú. Hàng hóa có nhiều mức giá, tùy theo nhu cầu, khả năng của mỗi người, không thấy bị tăng giá mạnh, cho nên tôi cũng yên tâm đợi sát Tết thì mới mua sắm. Những ngày Tết giờ mọi người không đặt nặng chuyện ăn uống, mà ưu tiên dành thời gian đi chơi, cho nên tôi cũng chỉ mua những thứ thật cần thiết”.
Hiện các sản phẩm Tết bán chạy nhất là bánh mứt kẹo, đồ uống và các giỏ quà Tết. So với năm ngoái, giỏ quà Tết năm nay đề cao sự tiện ích, chú trọng chất lượng và thực hiện giảm giá cho khách hàng đặt sớm với số lượng lớn. Siêu thị Central Retail triển khai hơn 40 loại giỏ quà gồm các loại bánh, mứt, trà, rượu... chọn lọc từ nhiều thương hiệu có tiếng, với mức giá rất đa dạng, từ 99 nghìn đồng đến ba triệu đồng/giỏ giúp người tiêu dùng có thể chọn mua loại phù hợp. Đại diện Central Retail nhận định: “Năm nay, một bộ phận lớn người tiêu dùng vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn. Vì vậy, họ sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, tiết giảm các loại hàng xa xỉ, đắt tiền. Bên cạnh đó, do nguồn cung dồi dào nên người dân không có xu hướng tích trữ hàng hóa mà chỉ mua đủ dùng”.
Tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý trên địa bàn, hàng hóa Tết đã được bày bán nhiều nhưng người mua cũng còn lác đác. Chị Lê Thị Ngọc Hà (chủ cửa hàng Zaha, phường Thạch Bàn, quận Long Biên) cho biết: “Cửa hàng đã tăng cường nhập, dự trữ các loại mặt hàng phục vụ Tết như đồ uống, đồ khô, thực phẩm... Tuy nhiên, năm nay tôi không nhập nhiều hàng như các năm trước, mà vừa nhập hàng, vừa thăm dò sức mua.
Bên cạnh xu hướng tiết giảm chi tiêu của người dân thì các cửa hàng còn đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các trang thương mại điện tử, kênh bán hàng online. Thay vì đi mua sắm trực tiếp, thì gần đây một bộ phận người dân mua hàng trực tuyến nhiều hơn”.
Dự báo, từ nay đến sát Tết Nguyên đán, thị trường Tết sẽ “nóng” lên từng ngày, nhất là từ sau ngày 23 tháng Chạp. Các ngành chức năng như công thương, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương đang tăng cường công tác kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, bảo đảm không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Công thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các loại hàng hóa có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng tại các cơ sở uy tín, không mua hàng không rõ thông tin, nhãn mác, hàng kém chất lượng...”