Hàng loạt bệnh viện ở Hà Tĩnh thiếu vật tư y tế

NDO -

NDĐT - Thực hiện chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức đấu thầu tập trung của Chính phủ, nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đều “kêu” khó cho hoạt động bệnh viện.

Mỗi ngày, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực BVĐK Hà Tĩnh phải tự mua ít nhất 200 găng tay cao-su y tế để phục vụ bệnh nhân.
Mỗi ngày, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực BVĐK Hà Tĩnh phải tự mua ít nhất 200 găng tay cao-su y tế để phục vụ bệnh nhân.

Theo đó, không chỉ thời gian triển khai kéo dài mà ngay cả khi đã được ký kết hợp đồng mua vật tư y tế (VTYT), hóa chất sinh phẩm theo kết quả đấu thầu tập trung với các nhà thầu đúng quy định của pháp luật, các bệnh viện vẫn không được cung ứng đầy đủ VTYT, hóa chất, sinh phẩm theo nhu cầu sử dụng, tạo thêm những “rào cản” cho hoạt động KCB và cấp cứu cho bệnh nhân.

Thực hiện chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Trung tâm Tư vấn dịch vụ tài chính công (TV-DVTCC) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đấu thầu mua sắm tài sản tập trung. Theo đó, liên danh TNT và các thành viên, liên danh DANA - HOH - MINH TÂM là những đơn vị trúng thầu cung cấp VTYT, hóa chất, sinh phẩm cho các bệnh viện trên địa bàn.

Mặc dù các bệnh viện đã lên phương án dự trù và tiến hành sớm các thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các đơn vị trúng thầu đã không cung ứng kịp thời VTYT, hóa chất, sinh phẩm theo hợp đồng đã ký kết, thậm chí một số sản phẩm VTYT được cung ứng có cấu hình không phù hợp với đề nghị của các bệnh viện, gây ra những khó khăn cho các đơn vị y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Theo phản ánh của các bệnh viện và qua tìm hiểu thực tế cho thấy, việc thiếu VTYT, hóa chất, sinh phẩm đã gây hệ lụy trực tiếp đến đội ngũ nhân viên y tế, những người trực tiếp làm công tác KCB cho người dân. Điển hình, tại Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK tỉnh, do không được cung ứng găng tay và nội khí quản số 8 (dùng cho người lớn) nên cán bộ phải giải thích cho người nhà và cần sự chia sẻ, hợp tác của người nhà. Tuy nhiên, nhiều người không tin và không chấp nhận nên đã gọi đường dây nóng ra Bộ Y tế. Và Khoa đã phải giải trình với Bộ Y tế về các cuộc gọi này.

Điển hình hơn, gần đây, một bệnh nhân ở Hương Khê vào cấp cứu, khi nhân viên y tế của khoa giải thích về việc người nhà phải mua nội khí quản thì đã bị người nhà phản ứng dữ dội. Họ nổi khùng và xông vào đòi đánh nhân viên y tế. Bác sĩ Mai Văn Lục, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh bức xúc, không có ống nội khí quản số 8 (loại dùng cho người lớn), chỉ có loại cỡ nhỏ, nếu dùng loại này cho bệnh nhân là người lớn thì nguy cơ tắc ống dẫn đến ngừng thở rất cao. Vì vậy, buộc Khoa phải tự bỏ tiền ra mua một cơ số cần thiết để bảo đảm việc cấp cứu cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, để bảo đảm cơ số dự phòng này, Khoa đã phải làm điều không đúng, đó là sau khi sử dụng cho bệnh nhân thì giải thích cho người nhà mua về để bù vào phục vụ cho bệnh nhân sau nhưng vấp phải phản ứng tiêu cực của nhiều người nhà bệnh nhân.

Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực Ngô Quỳnh Trang cũng cho biết, rất nhiều bệnh nhân sau khi ra viện đã không trở lại thanh toán số tiền mà Khoa đã bỏ ra mua vật tư trước đó cho họ. Hơn nữa, do đặc thù chăm sóc bệnh nhân tại Khoa nên nhu cầu sử dụng găng tay cao-su chống nhiễm khuẩn cũng rất lớn. Mỗi ngày, ngoài sử dụng bao tay do người nhà bệnh nhân mua cho, Khoa còn phải tự mua ít nhất đến 200 đôi. Trước đây thì thiếu bơm kim tiêm. Khi cung ứng được bơm kim tiêm rồi lại thiếu găng tay và nội khí quản số 8. Ở đây, toàn bệnh nhân cấp cứu, nhu cầu VTYT, sinh phẩm, hóa chất cần từng giây, từng phút chứ không thể cứ chờ đợi lâu dài như thế được.

Không có cung ứng đã đành, bất cập hơn là hóa chất trúng thầu không sử dụng được. Để đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, BVĐK tỉnh đã mượn bốn máy xét nghiệm huyết học của hãng NIHON KODEN. Tuy nhiên, hóa chất trúng thầu không phù hợp với bốn máy này. Bệnh viện đã đề xuất công ty trúng thầu cung cấp máy mới phù hợp với hóa chất trúng thầu nhưng đến nay, công ty trúng thầu vẫn không đáp ứng. Ngoài ra, một số vật tư cấu hình không phù hợp như Sonde cho ăn đầu nối không thể lắp vừa bơm cho ăn 50ml; bột bó không kết dính nên không thể sử dụng cho bệnh nhân…

Trưởng Khoa Dược BVĐK tỉnh Tôn Đức Quý cho biết, thực hiện Luật Đấu thầu tập trung đối với các cơ sở KCB đã thể hiện nhiều bất cập. Thứ nhất, thời gian triển khai quá dài, ảnh hưởng đến việc cung cấp VTYT, hóa chất, sinh phẩm cho các cơ sở KCB. Thứ hai, sau khi có kết quả đấu thầu, về giá thành, nhiều mặt hàng cao hơn so kết quả đấu thầu trước đây. Sau khi ký kết hợp đồng, đã qua hơn hai tháng nhưng nhiều mặt hàng nhà thầu vẫn chưa cung cấp.

Theo thống kê của BVĐK tỉnh, đến ngày 14-3, còn 39 danh mục VTYT, hóa chất, sinh phẩm nhà thầu chưa cung ứng được cho bệnh viện. Để bảo đảm điều kiện cho hoạt động KCB và cấp cứu bệnh nhân, BVĐK tỉnh đã có bốn công văn gửi Sở Tài chính, Sở Y tế và Trung tâm TV-DVTCC đề nghị cho Bệnh viện mua một cơ số VTYT, hóa chất, sinh phẩm mà nhà thầu không cung ứng được với giá ngang bằng hoặc thấp hơn so giá đấu thầu tập trung nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời. Theo tìm hiểu, những bất cập này không chỉ riêng ở BVĐK tỉnh mà là thực trạng chung ở các cơ sở KCB trên toàn tỉnh.

Liên quan mức giá các loại VTYT được cung ứng dựa trên phương thức đấu thầu tập trung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Bình cho rằng, nhiều loại VTYT được cung ứng theo phương thức mới có giá cao hơn nhiều so giá trúng thầu của các năm trước do các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu, điều này sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, bên cạnh sự chậm trễ của các đơn vị trúng thầu trong quá trình cung ứng VTYT theo hợp đồng ký kết, việc các bệnh viện xây dựng kế hoạch, dự trù số lượng VTYT, hóa chất, sinh phẩm chưa sát thực tế cũng ảnh hưởng hoạt động KCB. Thời gian tới, Sở Y tế Hà Tĩnh sẽ phối hợp ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung ứng VTYT theo phương thức mới.

Nghề y là nghề đặc thù. Bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân là sứ mệnh. Vì vậy, để bảo đảm điều kiện KCB và cấp cứu cho bệnh nhân, thiết nghĩ, việc thực hiện đấu thầu tập trung đối với các cơ sở KCB hiện nay cần được xem xét lại và có sự điều chỉnh phù hợp yêu cầu đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KCB, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cũng như bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân BHYT.

Hàng loạt bệnh viện ở Hà Tĩnh thiếu vật tư y tế ảnh 1

Không được cung cấp ống nội khí quản số 8, Khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh phải tự mua một cơ số để bảo đảm công tác cấp cứu. Nhưng khi giải thích và yêu cầu người nhà mua bổ sung thì gặp sự phản ứng dữ dội.