Bởi thế, biến động dù đến từ phía nào cũng dễ tác động tới phía còn lại. Một minh chứng thực tế là gần đây, khi giá vé máy bay tăng cao, đặc biệt ở các đường bay trong nước ngay trước thềm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đã lập tức ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nội địa.
Từ tháng 3 đến giữa tháng 4/2023, giá vé đường bay trong nước khởi hành dịp lễ liên tục tăng mạnh, nhất là với những chặng bay đến các điểm du lịch "hot" như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… Điều này khiến giá tour trọn gói bị đẩy lên cao, chi phối trực tiếp tới sức mua và quyết định du lịch của khách hàng.
Nhiều người đã thay đổi điểm đến, chọn những nơi không bắt buộc phải di chuyển bằng đường hàng không, thậm chí chuyển hẳn sang du lịch nước ngoài do chi phí nhiều chặng bay tới các nước Đông Nam Á có giá không chênh lệch nhiều so với đường bay nội địa. Ghi nhận từ các hãng lữ hành cho thấy, tỷ lệ khách mua tour xuất ngoại dịp nghỉ lễ chiếm tới 60-70%.
Việc số đông du khách trong nước lựa chọn tiêu tiền ở nước ngoài khiến du lịch Việt Nam đối mặt nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Một số điểm đến trong nước vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường khách di chuyển bằng đường hàng không cũng gặp nhiều khó khăn do khó lấp đầy công suất phòng lưu trú, nhà hàng… dù đã bước vào mùa cao điểm du lịch.
Tuy nhiên, những ngày sát thời điểm nghỉ lễ, giá vé máy bay bất ngờ giảm. Có những chặng bay trước đó giá vé rất cao, thậm chí đã hết vé thì nay lại có vé, thậm chí có những chặng bay giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước đó một tháng. Sự trồi sụt "bất tử" này khiến nhiều du khách bức xúc vì nghịch lý "mua vé sớm vẫn phải chịu giá đắt"; các công ty lữ hành rơi vào tình cảnh "khó ăn khó nói" với khách hàng đã chủ động đặt mua tour trọn gói từ sớm.
Sân bay Nội Bài ngày 28/4. Ảnh: Như Hà |
Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, hiện tượng nêu trên sẽ mang đến nhiều hệ lụy về lâu dài. Khách thay vì chủ động mua vé sớm thì khách sẽ chờ kiểu "cầu may" đến giờ chót với hy vọng vé máy bay hạ nhiệt, khiến doanh nghiệp du lịch lâm vào thế bị động, các hãng lữ hành và đại lý vé máy bay buộc phải cân nhắc việc "ôm" một lượng vé từ sớm...
Lý giải về sự biến động của giá vé máy bay những ngày qua, các hãng hàng không cho biết, bên cạnh lý do cung-cầu không gặp nhau ở từng thời điểm thì còn có tác động của giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất, chi phí vận hành... cao. Việc có tình trạng giá vé máy bay rẻ hơn ở thời điểm sát ngày nghỉ lễ là do các hãng bổ sung các chuyến bay tăng cường…
Tuy nhiên, dù với lý do gì thì sự biến động của giá vé máy bay đã và đang gây ra những trở ngại nhất định cho sự phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19, khi mà mức chi phí cho vận chuyển hàng không luôn chiếm hơn 40% tổng chi phí hành trình du lịch. Theo các hãng lữ hành, không chỉ vé máy bay trong nước mà vé một số chặng bay quốc tế cũng tăng cao, khiến nhiều du khách quốc tế lựa chọn điểm đến khác thay vì Việt Nam.
Dù vận chuyển chỉ là một mắt xích cấu thành thì khi giá vận chuyển cao dẫn tới khách đi du lịch ít vẫn gây ảnh hưởng đến những mắt xích còn lại.
Du lịch là ngành kinh tế liên ngành, dù vận chuyển chỉ là một mắt xích cấu thành thì khi giá vận chuyển cao dẫn tới khách đi du lịch ít vẫn gây ảnh hưởng đến những mắt xích còn lại như lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí… Thực tế này đòi hỏi cần có sự điều tiết nhanh chóng nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững du lịch.
Tại Hội thảo "Hợp tác Hàng không-Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế" do Tổng cục Du lịch và tỉnh Khánh Hòa tổ chức ở thành phố Nha Trang mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng sau đại dịch, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, khả năng chi trả của du khách cho du lịch bị ảnh hưởng lớn, nên việc kích cầu bằng chính sách giá là rất quan trọng.
Sân bay Nội Bài ngày 28/4. Ảnh: Như Hà |
Việc vé máy bay tăng giá (cả chặng bay trong nước và quốc tế) đang là bất lợi, làm giảm sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng sản phẩm. Theo các chuyên gia, để xây dựng được cơ chế giá phù hợp, đủ sức kích thích nhu cầu du lịch của khách, hàng không và du lịch cần "bắt tay" thật chặt trong việc xác định thị trường khách trọng điểm và thị trường mục tiêu, từ đó phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách và có kế hoạch, giải pháp quảng bá, tiếp thị đồng bộ trên tất cả các kênh bán hàng.
Sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ lợi ích giữa tất cả các khâu tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch sẽ là điều kiện để xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, có mức giá phù hợp, giàu sức cạnh tranh, thu hút được nhiều khách hàng sử dụng và gia tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm đến... để tất cả các khâu cùng được hưởng lợi.
Trên thực tế, đã hình thành một số mối liên kết hàng không-du lịch, song mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ dựa trên quan hệ quen biết, nên chưa tạo được sức mạnh trên bình diện quốc gia cũng như tạo môi trường để các doanh nghiệp cùng phát triển. Vì thế, cần có kế hoạch liên kết tổng thể, trong đó có vai trò "điều tiết-dẫn dắt-giữ nhịp" của cơ quan quản lý nhà nước liên quan để tạo môi trường kết nối hàng không-du lịch bền vững và nhịp nhàng, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để du lịch tăng tốc phục hồi và phát triển.