Hàng hóa giảm nhiệt theo giá xăng

Việc giá xăng dầu liên tiếp giảm trong những ngày gần đây đã tác động tích cực đến thị trường, giúp giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ hạ nhiệt, người tiêu dùng phần nào bớt lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tại siêu thị Big C Thăng Long.
Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tại siêu thị Big C Thăng Long.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 21/9, giá xăng RON 95-III đã về mức 22.584 đồng/lít, giá xăng E5 RON92 là 21.781 đồng/lít; các mặt hàng dầu cũng giảm, dầu đi-ê-den là 22.536 đồng/lít, dầu hỏa là 22.441 đồng/lít, dầu ma-dút là 14.656 đồng/lít. Việc xăng dầu tiếp tục đà giảm đã giúp giá cả nhiều loại hàng hóa thực phẩm, dịch vụ giảm theo.

Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Kim Liên (quận Đống Đa), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Hôm-Đức Viên (quận Hai Bà Trưng)..., nhiều mặt hàng thực phẩm có xu hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, giá thịt lợn đã giảm từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg tùy loại. Thịt nạc thăn từ 150.000 đồng/kg giảm còn 130.000 đồng/kg; thịt ba chỉ từ 140.000 đồng/kg còn 120.000 đồng/kg; thịt mông sấn dao động khoảng 100.000 đồng/kg... Theo các tiểu thương, giá thịt lợn hơi tại Hà Nội đã giảm từ hơn 70.000 đồng/kg xuống còn giữ ở mức 57.000 đến 62.000 đồng/kg. Nhờ đó, giá thịt lợn bán lẻ tới người tiêu dùng cũng giảm theo.

Một số loại thực phẩm khác cũng ghi nhận mức giảm như cá diêu hồng giảm khoảng 10.000 đồng/kg, còn khoảng 75.000 đồng/kg; mực ống giảm từ 380.000 đồng/kg xuống khoảng 350.000 đồng/kg; thịt gà làm sẵn 120.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với đầu tháng; trứng gà có giá 37.000 đồng/chục, trứng vịt từ 35.000 đến 40.000 đồng/chục... Các mặt hàng rau, củ, quả cũng giảm, mức giảm tùy từng loại. Hành lá hiện chỉ còn khoảng hơn 40.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng so với đợt cao điểm; cà chua, bắp cải từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 9...

Tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhiều mặt hàng thiết yếu được điều chỉnh giá giảm còn đi kèm các chương trình ưu đãi, khuyến mại khác nhằm hỗ trợ người tiêu dùng. Tại hệ thống siêu thị BRG đang triển khai chương trình khuyến mại với 2.000 ưu đãi khác nhau, hàng loạt các mặt hàng giảm giá như nước mắm Phú Quốc giảm 19.600 đồng, còn 69.000 đồng/chai; dưa hấu giảm 23% còn 22.000 đồng/kg, bí xanh giảm 25% còn 15.000 đồng/kg, dầu ăn Simply chai 2 lít giảm từ 148.000 đồng xuống còn 119.000 đồng/chai... Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn được tích điểm, tặng quà và có cơ hội mua rau xanh với giá 2.000 đồng/gói. Hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Đông cũng áp dụng chương trình giảm giá đến 50% hoặc mua 1 tặng 1 với một số sản phẩm may mặc, đồ dùng...; các sản phẩm thực phẩm tươi sống cũng giảm từ 15% đến 20% như thịt lợn, cá diêu hồng, su su, cải thảo, bắp cải... Hệ thống siêu thị Big C/GO! cũng triển khai chương trình khuyến mại cho hơn 300 sản phẩm ở tất cả các ngành hàng...

Bên cạnh giá thực phẩm, giá dịch vụ vận tải cũng đã giảm theo giá xăng dầu. Theo kê khai giá cước của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, các dòng xe năm chỗ, chiều Hà Nội-Nội Bài áp dụng mức cước 250.000 đồng/lượt, giảm khoảng 11%; từ ki-lô-mét thứ 30 trở lên áp dụng mức giá 15.000 đồng/km, giảm khoảng 3%. Tương tự, Công ty Taxi CP Hà Nội cũng đã giảm cước từ 4% đến 6% so với thời điểm tháng 8.

Tuy nhiên, dù thực phẩm, đồ tươi sống đã giảm giá, nhưng các dịch vụ ăn uống, thực phẩm chế biến sẵn lại giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể. Các hàng quán hiện vẫn bán từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/bát bún, phở...; cơm bình dân dao động từ 35.000 đồng đến 45.000 đồng/suất... Chị Đỗ Thanh Dung (ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa) cho biết: “Hầu hết các hàng quán ăn sáng, ăn trưa sau khi tăng cao đã không có sự điều chỉnh giảm theo giá xăng dầu hiện nay. Vì vậy, để tiết kiệm, tôi nấu ăn sáng tại nhà và mang cơm trưa đến văn phòng”.

Bên cạnh đó, các loại hàng hóa, dịch vụ tuy có giảm nhưng chưa đáng kể và chưa tương xứng với mức giảm của xăng dầu. Hầu hết người tiêu dùng đều mong muốn, các loại hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, dịch vụ thiết yếu sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm nhanh và nhiều hơn trong thời gian tới để phù hợp thị trường, giúp các gia đình giảm được áp lực trong cuộc sống.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ, bên cạnh việc kìm giá xăng dầu thì còn cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, điều hành giá, nhất là tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm khâu trung gian, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí logistics... Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý thị trường, tích cực triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra các trường hợp tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân.