Ngoài mục tiêu mở rộng thương mại và đầu tư với châu Phi, Hàn Quốc muốn tìm kiếm các giải pháp hợp tác bền vững cho các vấn đề liên quan trực tiếp đến tăng trưởng trong tương lai, chẳng hạn như nguồn cung ổn định các khoáng sản quan trọng và chuyển đổi kỹ thuật số.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và các quốc gia châu Phi quy tụ các phái đoàn từ 48 quốc gia ở châu Phi, trong đó có 25 nguyên thủ quốc gia. Đây là hội nghị thượng đỉnh châu Phi-Hàn Quốc đầu tiên do Seoul đăng cai và là hội nghị thượng đỉnh đa phương lớn nhất kể từ khi chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhậm chức vào tháng 5/2022. Với chủ đề “Tương lai cùng kiến tạo” và ba mục tiêu cụ thể bao gồm phát triển đồng hành, phát triển bền vững và đoàn kết, hội nghị đề ra sáu lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên là thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển chính thức, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, đối phó với thách thức toàn cầu, hòa bình và an ninh.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng nhau thảo luận việc mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác về chuỗi cung ứng và phát triển giữa Hàn Quốc và các nước giàu tài nguyên ở châu Phi, với trọng tâm là mở rộng hoạt động thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có thăm dò và khai thác khoáng sản quan trọng, viện trợ phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển đổi số. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, nước này đã ký kết 12 thỏa thuận và 34 bản ghi nhớ (MoU) với các quốc gia châu Phi. Các thỏa thuận bao gồm hai MoU về hợp tác thăm dò và khai thác khoáng sản quan trọng, sáu khuôn khổ xúc tiến thương mại và đầu tư (TIPF), ba MoU về hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, các thỏa thuận về Quỹ hợp tác Phát triển kinh tế (EDCF) và cho vay lãi suất thấp.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hội nghị thượng đỉnh này đã nâng đối thoại giữa hai bên lên cấp cao nhất và thiết lập mạng lưới chặt chẽ ở cấp lãnh đạo.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hội nghị thượng đỉnh này đã nâng đối thoại giữa hai bên lên cấp cao nhất và thiết lập mạng lưới chặt chẽ ở cấp lãnh đạo. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác với châu Phi nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng và mở đường cho các công ty Hàn Quốc thâm nhập thị trường tiềm năng này. Liên minh châu Phi (AU) gồm 55 nước thành viên, chiếm gần 28% tổng số thành viên của Liên hợp quốc. Năm ngoái, AU gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với tư cách là thành viên thường trực, thể hiện vị thế ngày càng tăng của tổ chức này trên trường quốc tế.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, Hàn Quốc đặt mục tiêu mở rộng thương mại và đầu tư với châu Phi thông qua một loạt thỏa thuận như Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) và Khung xúc tiến thương mại và đầu tư (TIPF). Ông cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ các nỗ lực của châu Phi hướng tới hội nhập kinh tế khu vực thông qua AfCFTA. Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng các thỏa thuận bảo hộ đầu tư nhằm thúc đẩy trao đổi giữa các doanh nghiệp hai nước.
Hai bên nhất trí ra mắt một cơ chế tham vấn, đối thoại về vấn đề chuỗi cung ứng khoáng sản trọng tâm của Lục địa Đen, nơi sở hữu 30% tài nguyên khoáng sản của thế giới. Hai bên nhất trí thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở châu Phi, như đường bộ, đường sắt, cảng biển. Hàn Quốc sẽ mở rộng quy mô vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho châu Phi lên 10 tỷ USD cho tới năm 2030, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Phi quy mô 14 tỷ USD. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ áp dụng “Chính phủ điện tử” cho các quốc gia châu Phi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, tăng cường thương mại trên nền tảng số với châu Phi.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, Hàn Quốc sẽ hợp tác với các quốc gia châu Phi để bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và chuyển đổi kỹ thuật số linh hoạt, đồng thời giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với châu Phi, một thị trường tiêu dùng khổng lồ với dân số 1,4 tỷ người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 3.400 tỷ USD. Hiện nay, thương mại song phương chỉ chiếm 1,9% tổng thương mại của Hàn Quốc.
Thị trường tiêu dùng lớn và nguồn tài nguyên dồi dào của châu Phi thu hút sự chú ý của Hàn Quốc, một quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn, đồng thời là quê hương của các nhà sản xuất chip và pin hàng đầu thế giới. Đây cũng là lý do để Hàn Quốc muốn tăng cường hợp tác xuất nhập khẩu các khoáng sản quan trọng với các quốc gia châu Phi. Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi được phía Hàn Quốc kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho sự hợp tác toàn diện, bao gồm việc trao đổi thông tin liên quan đến các khoáng sản quan trọng, hợp tác công nghệ và thăm dò chung. Theo đó, Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ trao đổi giữa các doanh nghiệp của quốc gia này với các nước châu Phi.