Theo số liệu từ Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố sáng 9/3, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, lên tới 342.446 trường hợp, tăng vọt so với 202.721 ca ghi nhận 1 ngày trước đó. Từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 5.212.118 ca mắc.
Số ca lây nhiễm hằng ngày đã vượt mốc 300 nghìn ca chỉ 1 tuần sau khi cán mốc 200 nghìn vào ngày 2/3. Mức cao kỷ lục trước đó là 266.847 ca được ghi nhận hôm thứ sáu tuần trước.
Giới chức y tế Hàn Quốc trước đó dự báo làn sóng Omicron hiện tại có thể sẽ đạt đỉnh vào ngày 12/3, với khoảng 354 nghìn ca mắc/ngày. Nhưng với xu hướng hiện tại, virus đang cho thấy khả năng lây lan với tốc độ nhanh hơn. Trước tình hình này, KDCA đã nâng mức cảnh báo đại dịch lên mức cao nhất hồi đầu tuần.
Trong bối cảnh cử tri nước này hôm nay đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức để chọn ra tổng thống mới, các bệnh nhân Covid-19 và những đối tượng trong diện cách ly sẽ được phép bỏ phiếu từ 6 giờ chiều đến 7 giờ 30 phút tối (giờ địa phương), sau khi các hòm phiếu chính thức đóng.
Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế, Chính phủ Hàn Quốc đã chuyển sang chiến lược tập trung điều trị các trường hợp bệnh nặng và ngăn ngừa ca tử vong, đồng thời áp dụng điều trị Covid-19 tại nhà để tránh quá tải cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân điều trị tại nhà cũng vừa đạt mức cao kỷ lục mới là 1,22 triệu người, tăng 54.834 ca so với 1 ngày trước đó.
Cho đến nay, 44,4 triệu người Hàn Quốc đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa Covid-19 đủ 2 liều cơ bản, chiếm 86,5% dân số, trong khi 31,9 triệu người, tương đương 62,2% dân số đã được tiêm mũi tăng cường.
Cũng đang trong làn sóng lây lan mạnh của biến thể Omicron, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) sáng 9/3 công bố một loạt các biện pháp mới, nhằm bảo vệ người cao tuổi trước tình trạng lây nhiễm cao tại đây.
Theo đó, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết trong cuộc họp báo sáng nay, Hồng Kông sẽ tăng cường nguồn lực y tế, nâng cao năng lực điều trị và thiết lập thêm các cơ sở cách ly và chăm sóc tạm thời cho bệnh nhân Covid-19 cao tuổi.
Trong 24 giờ qua, đặc khu này ghi nhận hơn 43.100 ca bệnh mới, nâng tổng ca nhiễm lên trên 500 nghìn ca, cùng hơn 2.500 ca tử vong vì Covid-19 và hầu hết đều được ghi nhận chỉ trong 2 tuần qua. Trong đó, các ca tử vong ở người cao tuổi chưa tiêm ngừa Covid-19 cũng đang tăng nhanh, khi làn sóng lây nhiễm quét qua các nhà dưỡng lão của đặc khu.
Theo dữ liệu của trang thống kê Our World in Data, Hồng Kông (Trung Quốc) đang nằm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên 1 triệu dân cao nhất thế giới trong tuần tính đến ngày 7/3.
Các chuyên gia y tế từ Đại học Hồng Kông ước tính, đến cuối tháng 4, số ca mắc ở thành phố 7,4 triệu dân này có thể lên tới khoảng 4,3 triệu, với số ca tử vong khoảng 5.000 người.
Ở châu Âu, Cơ quan y tế Pháp công bố 93.050 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 22/2, tăng 16,6% so với 1 tuần trước.
Số ca nhiễm mới hằng ngày ở Pháp hiện đã tăng trong ngày thứ tư liên tiếp, đảo ngược xu hướng giảm bắt đầu vào cuối tháng 1 vừa qua.
Trong khi đó, tại Romania, Bộ trưởng Y tế Alexandru Rafila cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch kể từ ngày hôm nay, bao gồm cả yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và xuất trình thẻ kỹ thuật số chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi đến các địa điểm công cộng.
Các hạn chế khác cũng sẽ được dỡ bỏ, bao gồm lệnh giới nghiêm đối với các cửa hàng, cùng giới hạn số lượng khách đến nhà hàng, rạp hát và các sự kiện công cộng. Ngoài ra, ông Rafila cũng cho biết, chính phủ sẽ không áp dụng bắt buộc cách ly các ca dương tính, mà chỉ khuyến khích những đối tượng này tự cách ly.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Romania cũng khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong nhà và tránh tụ tập để bảo đảm an toàn.
Trước đó, Chính phủ Romania đã quyết định không gia hạn thêm cảnh báo dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc.
Số ca nhiễm mới ở Romania đã giảm xuống 5.461 ca trong 24 giờ qua, thấp đáng kể so mức cao kỷ lục trên 40 nghìn ca vào đầu tháng 2. Quốc gia này mới chỉ tiêm phòng Covid-19 đầy đủ cho khoảng 42% dân số, tỷ lệ thấp thứ hai trong các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Tại Mỹ, dù số ca mắc mới hằng ngày đã giảm mạnh so với thời thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 1, nước này vẫn đang thận trọng theo dõi sự lây lan của biến thể phụ BA.2 của Omicron, hay còn gọi là "Omicron tàng hình".
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 5/3, biến thể phụ BA.2 hiện chiếm 11,6% tổng số các ca nhiễm Covid-19 ở nước này, tăng nhanh so với chỉ 6,6% ghi nhận trong tuần trước đó.
Các biến thể phụ khác của Omicron, gồm BA.1.1 và B.1.1.529 hiện lần lượt chiếm khoảng 73,7% và 14,7% các ca nhiễm tại Mỹ.