Hạn chế việc dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1

NDO -

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội có thể kéo dài, ở nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã lên phương án khai giảng trực tuyến và dạy học trực tuyến khi năm học mới sắp bắt đầu. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng về khả năng tiếp thu, chất lượng học của con nếu phải học trực tuyến trong thời gian dài. Chưa kể, lứa tuổi này còn quá nhỏ để có thể làm quen với cách học trực tuyến.

 Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm học 2020-2021. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm học 2020-2021. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Trao đổi với Báo Nhân Dân, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho biết: Khi ban hành khung thời gian năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa trên thực trạng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bảo đảm nguyên tắc linh hoạt, mềm dẻo, chủ động của địa phương theo hướng giao quyền chủ động. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tính toán, ưu tiên cho học sinh lớp 1 tựu trường từ ngày 23/8 để có thời gian làm quen với trường, lớp. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều địa phương không thực hiện được. Vì vậy, địa phương được quyền quyết định tựu trường sớm hay muộn trong phạm vi 15 ngày theo các mốc thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi linh động hết thời gian cho phép, địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế đến từng huyện, từng trường, không nhất thiết phải thực hiện việc tựu trường cùng lúc trên toàn tỉnh. 

Đối với học sinh lớp 1, những nơi địa phương đủ điều kiện phòng dịch thì có thể cho tựu trường từ ngày 23/8 để bảo đảm trước khi bước vào lớp 1, học sinh có khoảng thời gian làm quen về tâm thế, thói quen học tập, nội quy trường lớp.

Các địa phương cần hạn chế việc dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, tận dụng thời gian "vàng" học trực tiếp để học sinh được tương tác. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh căng thẳng kéo dài phải tổ chức dạy học trực tuyến, các trường, giáo viên cần chọn hình thức phù hợp tâm lý lứa tuổi các em, điều kiện, hoàn cảnh gia đình... Điều này nhằm giúp các em bước đầu làm quen quá trình học tập, hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng một cách máy móc, có những tiết học kéo dài hoặc tương tác một chiều.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Đài truyền hình Việt Nam xây dựng 51 chủ đề Tiếng Việt lớp 1 tại chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” giúp học sinh dễ dàng học âm học vần. Trong đó có 15 chủ đề dành riêng cho đối tượng học sinh dân tộc, nhằm mục đích hỗ trợ học sinh dân tộc đọc và viết tiếng Việt đạt yêu cầu, bảo đảm cuối năm học, hầu hết học sinh đạt được yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt lớp 1, không để tình trạng học sinh không biết đọc, biết viết.  

Lứa tuổi học sinh lớp 1 rất cần sự sát sao của giáo viên, vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường, giáo viên phải kết nối với gia đình để cùng tháo gỡ. Nếu giáo viên áp dụng dạy truyền thống sang dạy trực tiếp, 35 học sinh cùng tham gia học trên nền tảng zoom thì rất khó để kiểm soát và học sinh sẽ không đủ kiên nhẫn để học một tiết học với thời lượng 35 phút. Vì vậy, giáo viên có thể áp dụng hình thức lớp học "ngược" như làm một số video về nội dung học sau đó gửi trước để học sinh được tiếp cận và sáng tạo trên nền tảng nội dung đó, đến giờ học cùng nhau trao đổi. Hằng tuần, giáo viên dành ra một đến hai buổi để giải đáp thắc mắc của phụ huynh và học sinh, như vậy việc học trực tuyến ở lớp sẽ đạt hiệu quả hơn. 
Thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan