Hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra với các nội dung khác nhau, trong đó công tác quản lý, sử dụng đất đai là một trong những vấn đề được triển khai với kết quả cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ðất đai (sửa đổi). (Ảnh ÐĂNG ANH)
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ðất đai (sửa đổi). (Ảnh ÐĂNG ANH)

Tại nhiều địa phương thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều thiếu sót, hạn chế, thậm chí là sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Gần đây nhất, tháng 2/2024, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận thanh tra về công tác nêu trên tại hai tỉnh Ninh Bình và Hưng Yên. Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng đất đai (giai đoạn 2011-2022) còn nhiều vấn đề cần quan tâm, xử lý kịp thời.

Nhiều hạn chế, thiếu sót

Theo Thanh tra Chính phủ, tại Ninh Bình, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chậm ban hành quy định việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 2 Ðiều 5 Nghị định số 35/2015/NÐ-CP; ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư có nội dung về thời gian miễn giảm tiền thuê đất không đúng quy định (đến năm 2021 đã ban hành quyết định bãi bỏ).

Một số kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được phê duyệt có danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất nhưng chưa được Hội đồng nhân dân (HÐND) tỉnh thông qua theo quy định; một số công trình, dự án quá 3 năm chưa được thu hồi đất nhưng không hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013, UBND tỉnh tiếp tục cho thực hiện nhưng chưa được HÐND tỉnh thông qua theo quy định.

UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hằng năm của một số huyện, thành phố chưa bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Ðiều 46 Luật Ðất đai năm 2013. Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh xác định nhu cầu, tiến độ sử dụng đất chưa chính xác, xác định khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất thiếu khả thi nên các dự án đầu tư thực hiện chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, chi tiêu quy hoạch sử dụng đất thấp. Ðến hết năm 2022, tổng diện tích đất công ích là 5.528,0 ha, chủ yếu cho các hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích nhỏ lẻ để sản xuất nông nghiệp không thông qua đấu giá, với thời gian thuê từ 1-5 năm; đơn giá cho thuê không thống nhất, mà do các xã quyết định; còn lại 2.627,16 ha (chiếm 48,51%) nhỏ lẻ, phân tán do UBND các xã, phường quản lý, chưa đưa vào khai thác sử dụng.

Việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp chưa được thực hiện tối ưu, còn diện tích đất công ích lớn bị phân tán, nhỏ lẻ, sử dụng kém hiệu quả; tiến độ thực hiện chậm, đến thời điểm thanh tra mới có 31/131 xã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tỷ lệ đạt thấp (9,75%), chưa bảo đảm các nội dung quản lý nhà nước theo quy định.

Về tình hình vi phạm về đất đai, có 942 công trình, dự án phục vụ mục đích về đích nông thôn mới có nguồn gốc đất công ích, đất do nhân dân tự nguyện hiến nhưng đến thời điểm thanh tra, các trường hợp này chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, tiềm ẩn khiếu kiện sau này. Có 320 trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, sang đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với 91,30 ha; 197 trường hợp lấn chiếm đất công, xây dựng công trình không phép, tồn tại kéo dài nhưng chưa được xử lý theo quy định.

Tại Hưng Yên, Thanh tra Chính phủ cho biết: UBND tỉnh Hưng Yên không ban hành chương trình hành động của tỉnh cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của kế hoạch hằng năm theo Nghị quyết số 73/NQ - CP và xây dựng kế hoạch của tỉnh cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ - CP của Chính phủ. Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn hạn chế, đến nay chưa hoàn thiện xong các thủ tục về giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác kiểm tra, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quá thời hạn thực hiện (cần hủy bỏ hoặc điều chỉnh) chưa được triển khai.

Một số đồ án quy hoạch xây dựng đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt theo thẩm quyền nhưng còn chậm so với quy định. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức; bàn giao mốc giới quy hoạch ngoài thực địa đối với các đồ án quy hoạch chung còn chưa tuân thủ quy định; một số đồ án quy hoạch được phê duyệt nhưng không ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; một số đồ án quy hoạch phân khu chức năng được lập, phê duyệt trong khi tại khu vực chưa có quy hoạch chung đô thị; sau khi quy hoạch chung đô thị được phê duyệt, không kịp thời lập quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Một số đồ án quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng được phê duyệt, nhưng không cấp giấy phép quy hoạch; chưa thực hiện đầy đủ thủ tục công bố công khai quy hoạch trên trang điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch; chưa tuân thủ về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng về một số chỉ tiêu cây xanh, ký hiệu ô đất, về bề rộng vỉa hè; chưa đáp ứng đầy đủ nội dung thể hiện trong đồ án quy hoạch 1/500…

Ðây cũng là những hạn chế, thiếu sót được Thanh tra Chính phủ phát hiện, chỉ ra tại một số địa phương khác, sau các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Khắc phục bất cập, nâng cao hiệu lực quản lý

Hệ thống pháp luật của chúng ta đang ngày càng được hoàn thiện, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, trong đó sáng 18/1 vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Ðất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Ngày 19/2, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, trong đó có Luật Ðất đai. Vì vậy, việc khẩn trương nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý đất đai đang trở nên cấp bách và có những điều kiện thuận lợi để triển khai.

Trước hết, các địa phương đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này nói chung và hai tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên (giai đoạn 2011-2022) cần khẩn trương khắc phục những vấn đề tồn tại, yếu kém.

Trong đó, khẩn trương ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật về đất đai theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, bảo đảm các chỉ tiêu được đề ra, phù hợp khả năng, tiến độ thực hiện trên thực tế, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành.

UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã bố trí kinh phí đầu tư cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và thực hiện việc đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên theo quy định; đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cần rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư dự án đang còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản thuế, phí còn phải nộp về ngân sách nhà nước, xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không chấp hành; xử lý các dự án chậm tiến độ, các dự án có vi phạm về sử dụng đất…

Các cơ quan chức năng của các tỉnh cần khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giao đất để thực hiện dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ; kịp thời hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu hạ tầng và quyết toán dự án hoàn thành theo quy định; đồng thời khẩn trương xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án đã được giao đất nhưng chưa xác định tiền sử dụng đất. Kiểm tra, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quá thời hạn thực hiện (cần hủy bỏ hoặc điều chỉnh), tránh lãng phí nguồn lực đất đai của địa phương, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân nằm trong các khu vực quy hoạch.

Ðối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở-một nội dung được nhiều người dân rất quan tâm, các tỉnh cần chỉ đạo sở tài nguyên và môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai để người sử dụng đất hiểu rõ, thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ kê khai, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai tại cơ sở, kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý những vướng mắc phát sinh. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc đô thị, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn, có biện pháp xử lý dứt điểm những vướng mắc chưa cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, bảo đảm quyền lợi của người dân, tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp.