Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường chú ý việc điều chỉnh, xem xét trên cơ sở ý kiến của các địa phương nhưng phải giữ vững nguyên tắc; giải quyết các vấn đề còn khác nhau về khái niệm để đưa vào luật, hạn chế tạo "khoảng trống" trong quản lý và sử dụng đất đai; khẩn trương ban hành danh mục các quy hoạch đề nghị bãi bỏ.
Bảo đảm chất lượng các quy hoạch ngành
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ việc chậm tiến độ quy hoạch và một số vấn đề nêu trong báo cáo như căn cứ lập quy hoạch ngành quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ; các giải pháp đã thực hiện bảo đảm chất lượng các quy hoạch ngành phù hợp, thống nhất với các quy hoạch khác; sự tương thích, đồng bộ giữa các luật về công tác quy hoạch và những kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung…
Một số ý kiến của đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo thêm về việc rà soát, ban hành danh mục tích hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; rà soát quy hoạch hết hiệu lực thuộc ngành tài nguyên môi trường; chỉ rõ tính đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật.
Đoàn giám sát cũng đề nghị làm rõ vấn đề đan xen, chồng lấn trong quá trình triển khai quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng như công tác phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện xây dựng quy hoạch, phân bổ tài nguyên đất đai, nước, không gian biển quốc gia, khoáng sản, môi trường.
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiệm vụ lập 2 quy hoạch quốc gia là vấn đề rất lớn, không chỉ liên quan kinh tế, xã hội, môi trường mà còn liên quan vấn đề an ninh, quốc tế và chủ quyền quốc gia; đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo các ý kiến sâu sát của thành viên Đoàn giám sát về 6 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc lập đồng thời, song song các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đặt ra nhiều thách thức.
Đây là những quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở cho quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch của các ngành khác, liên quan nhiều lĩnh vực mà các ngành cần dữ liệu cơ sở, số liệu ban đầu.
"Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch chính xác quyết định chất lượng của các quy hoạch khác; do đó vai trò tiên phong của Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan trọng. Đề nghị Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đánh giá tác động mọi mặt trong điều kiện hiện nay", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ hơn chất lượng các văn bản được ban hành, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan việc bảo đảm tiến độ ban hành văn bản do Bộ chủ trì cũng như chất lượng công tác tham mưu, trình cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề, tháo gỡ các khó khăn, không phát sinh thủ tục, chi phí hành chính hoặc gây khó khăn cho cơ sở; bảo đảm tính đồng bộ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành hữu quan và các địa phương… để giải quyết việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên, vật liệu tái chế, vật liệu thu hồi, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sử dụng vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Theo Báo cáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động tham gia góp ý thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch vùng trong cả nước; phối hợp góp ý lập quy hoạch 15/63 tỉnh, thành phố; thẩm định 13 hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng.
Công cụ quan trọng để quản lý đất đai
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Sau khi Luật Quy hoạch ban hành, Bộ đã khẩn trương rà soát, đề xuất hoàn thiện các nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung các luật về tài nguyên và môi trường trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, Bộ đã rà soát, lồng ghép các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất giữa các nội dung về quy hoạch trong hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường với quy định của Luật Quy hoạch; ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai các nội dung về quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đến nay, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành, được Quốc hội khóa XV ban hành tại Nghị quyết 39/2021/QH15.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quan trọng để nhà nước thống nhất quản lý đất đai, được triển khai đồng bộ ở các cấp, đặc biệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là căn cứ quan trọng để nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất được phân bổ và chuyển dịch cơ cấu sử dụng để đáp ứng kịp thời cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Quỹ đất nông nghiệp đã đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ và phát triển rừng.
Báo cáo cũng đề cập quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa…
Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ lập 2 quy hoạch cấp quốc gia là Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia và 6 quy hoạch ngành quốc gia gồm: Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
Đến nay, Bộ hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Quốc hội khóa XV thông qua năm 2021; Quy hoạch không gian biển quốc gia dự kiến đúng tiến độ. Trong 6 quy hoạch ngành quốc gia đã hoàn thành Quy hoạch về tài nguyên nước; 3 quy hoạch dự kiến hoàn thành trong tháng 11 và 12/2022; 1 quy hoạch dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2023 và Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa rõ thời hạn.