Một trong những giải pháp được ngành Giáo dục tích cực triển khai là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương.
Bảo đảm chỉ tiêu biên chế
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, để bảo đảm về cơ cấu đội ngũ, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi. Việc xây dựng đội ngũ bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðáng chú ý, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; trong đó đề nghị tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023.
Các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngành Giáo dục cũng phối hợp các địa phương triển khai lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.
Nhiều địa phương triển khai công tác tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðắk Lắk, Phạm Ðăng Khoa cho biết, bước vào năm học 2022-2023, tỉnh đã rà soát lại đội ngũ giáo viên hiện có so với các định mức quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Toàn tỉnh Ðắk Lắk còn thiếu 1.266 giáo viên, trong đó, giáo dục mầm non thiếu nhiều nhất 671 giáo viên. Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, năm học 2022-2023, tỉnh Ðắk Lắk tuyển thêm 243 chỉ tiêu. Ngoài ra, toàn tỉnh triển khai thêm các biện pháp sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, dồn dịch điểm trường để làm sao bảo đảm tỷ lệ học sinh/lớp theo quy định. Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðắk Lắk cũng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng trường tự chủ tài chính nhằm giảm bớt gánh nặng biên chế từ nguồn ngân sách... Trong khi đó, tại tỉnh Lào Cai, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thế Dũng, các ngành, địa phương liên quan của tỉnh đã rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo mạng lưới trường, lớp. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Ðào tạo Lào Cai phối hợp Sở Nội vụ Lào Cai tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh. Tính đến cuối tháng 9, tuyển dụng được 231 giáo viên gồm: Mầm non 95 người, tiểu học 28 người, trung học cơ sở 85 người, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên là 23 người nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp.
Bồi dưỡng nâng chuẩn
Cùng với tuyển dụng, từng bước bổ sung đủ số lượng, những năm qua, ngành Giáo dục cũng chú trọng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tính đến đầu năm học 2022-2023, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Ngành Giáo dục hoàn thành các khóa bồi dưỡng đại trà cho 641.240 giáo viên (322.082 giáo viên tiểu học, 216.204 giáo viên trung học cơ sở, 102.954 giáo viên trung học phổ thông) và 48.422 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Hoàn thành bồi dưỡng sáu mô-đun ưu tiên cho 30.127 giáo viên cốt cán và 3.815 cán bộ quản lý cốt cán; toàn bộ 63 sở giáo dục và đào tạo có đội ngũ cốt cán có trình độ, được bồi dưỡng sáu mô-đun cốt lõi, đủ về số lượng, đại diện các môn học, đáp ứng cơ cấu vùng miền, được trang bị năng lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp một cách có hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên giai đoạn 2020-2025; giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, mở mã ngành đào tạo cho các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tuyển đủ số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định bổ sung giai đoạn 2022-2023 và các năm tiếp theo. Ngành Giáo dục tiếp tục khảo sát, đánh giá việc thực hiện chính sách đối với giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và thực trạng hoạt động nghề nghiệp của giáo viên các trường chuyên biệt làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp điều kiện, tình hình mới. Toàn ngành thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện chương trình phổ thông mới. Thực hiện công tác dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ■