Hai thủ tục bắt buộc quản lý vịt chạy đồng ở Bà Rịa- Vũng Tàu

NDO - NDĐT- Toàn bộ diện tích lúa đông xuân của Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản được thu hoạch cũng chính là mùa vịt chạy đồng. Đối phó với cúm A/H5N1 tại một số địa phương cũng như cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu đang xiết chặt quản lý đàn vịt chạy đồng, không để dịch bùng phát. 

Sáng 3-5, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hiện các cán bộ thú y tỉnh đang được tăng cường xuống các địa phương để giám sát và theo dõi chặt đàn vịt chạy đồng.

Tuy đã tám năm không có dịch bệnh gia cầm, song không vì thế mà chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương lơ là, chủ quan trong công tác phòng dịch.

Các hộ nuôi vịt chạy đồng ở Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung chủ yếu ở ba huyện: Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Long Điền. Hầu hết người chăn nuôi ở đây đều hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng dịch, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của cơ quan thú y.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu Hà Lâm Quỳnh, tất cả đàn vịt chạy đồng của Bà Rịa - Vũng Tàu đều được cấp sổ đăng ký với tổng cộng 445 sổ. Cán bộ thú y xuống tận địa bàn trực tiếp hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi mở sổ theo dõi, ghi chép và báo cáo số lượng vịt con mới nở.

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có 3,3 triệu con, trong đó có 2,5 triệu con gà, gần 750 nghìn con vịt và 80 nghìn con ngan. Tuy chỉ quy mô nhỏ từ 1.000 đến 1.200 con/đàn, nhưng kiểm soát chặt việc di chuyển của những đàn vịt chạy đồng sẽ giảm thiểu nguy cơ lan truyền dịch cúm, đồng thời giúp ngành thú y Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm soát và thực hiện hiệu quả công tác tiêm phòng.

Đến nay, 100% số vịt thả đồng trên địa bàn tỉnh đã được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Trạm trưởng Thú y huyện Long Điền Trần Quang Long cho biết: Vịt chạy đồng sau khi tiêm phòng được cấp phiếu tiêm phòng.

Phiếu tiêm phòng và sổ vịt chạy đồng là hai “thủ tục” bắt buộc đối với tất cả các cơ sở chăn nuôi. Nếu thiếu hai “thủ tục” này, không chỉ người chăn nuôi mà cán bộ thú y và chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm.

Đó cũng là giải pháp để phòng chống bùng phát và lây lan dịch bệnh gia cầm.