Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thành phố đã chỉ đạo mở chuyên mục "Dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời" trên sóng Ðài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng để cung cấp thông tin về các hoạt động liên quan công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền đến người dân, doanh nghiệp, đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. UBND thành phố đã thực hiện giám sát, đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu, qua đó, bước đầu khắc phục được tình trạng trì trệ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, góp phần giảm các nhiệm vụ bị chậm, quá hạn; trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành giải quyết công việc cũng được nâng lên rõ rệt.
Kết quả cải cách thủ tục hành chính cũng góp phần tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Từ đầu năm đến nay, thành phố có thêm 54 dự án được cấp phép đầu tư mới với số vốn đầu tư đạt 478,75 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thời gian tới, TP Hải Phòng tiếp tục CCHC theo hướng thực hiện kiên quyết, đồng bộ, có đột phá, sáng tạo nhằm đạt hiệu quả cao. Trong đó, thành phố tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tới tất cả các sở, ngành, quận, huyện.
* Thời gian qua, biến đổi khí hậu phức tạp, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Trong năm 2019, biến đổi khí hậu gây dông lốc làm hàng chục héc-ta lúa thất thu; sạt lở bờ sông xảy ra tại 46 điểm đã làm mất hơn 5.600 m2 đất nhà ở và đất sản xuất. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 điểm sạt lở bờ sông, gây nhiều thiệt hại.
Ðể khắc phục những khó khăn, kịp thời thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Hậu Giang đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, có tính khả thi cao. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh điều chỉnh cơ cấu sản xuất, bố trí lịch thời vụ phù hợp, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi phù hợp; tiếp tục thực hiện các hoạt động khuyến nông, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, như: Trồng mãng cầu xiêm, sản xuất hai vụ lúa - một vụ tôm...
Trong canh tác nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo tăng cường sử dụng các giống lúa, cây trồng có khả năng chịu hạn, độ phèn, mặn cao; chú trọng kiểm soát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó đặc biệt quan tâm công tác thống kê, dự tính, dự báo để chủ động triển khai các biện pháp xử lý khi dịch bệnh xảy ra.
PV và TTXVN