Hải Phòng tạo bước tiến mới trong chuyển đổi số

Với quan điểm chuyển đổi số là động lực trong phát triển, thành phố Hải Phòng đã và đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số trên thành phố Cảng.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu các phần mềm quản lý và chữ ký số tới các tổ chức, doanh nghiệp tại Hải Phòng.
Giới thiệu các phần mềm quản lý và chữ ký số tới các tổ chức, doanh nghiệp tại Hải Phòng.

Liên tục trong những năm qua, thành phố Hải Phòng luôn đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong chủ đề, định hướng hoạt động của từng năm để các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện. Trong năm 2024, cùng với các mục tiêu đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tăng cường thực hiện các chính sách xã hội, thì chuyển đổi số vẫn là mục tiêu quan trọng được Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng xác định và triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng có vị thế quan trọng, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ, cũng như của cả nước và chuyển đổi số không chỉ tạo ra sự phát triển cho Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển của cả vùng kinh tế quan trọng này. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải quan tâm và tập trung cao thực hiện các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch 12/KH-UBND về chuyển đổi số của Ủy ban nhân dân thành phố.

Liên tục trong các kỳ họp thường kỳ hằng tháng, hằng quý, cùng với các nội dung quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đều có đánh giá tiến độ, khẩn trương tháo gỡ những khó khăn và ráo riết đôn đốc quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của các cấp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Năm 2023, thành phố Hải Phòng dành kinh phí hơn 400 tỷ đồng và giao cho 28 đơn vị thực hiện với 76 nhiệm vụ cụ thể cho lĩnh vực chuyển đổi số. Các nhiệm vụ được giao tập trung vào việc số hóa, phát triển dữ liệu chuyên ngành hỗ trợ quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, tiến tới xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở…

Theo Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố, năm 2023, thành phố hoàn thành triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP), kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nền tảng LGSP đã thực hiện hơn 50 triệu lượt giao dịch (với Cổng dịch vụ công quốc gia, hộ tịch tư pháp, lý lịch tư pháp, thanh toán trực tuyến, liên thông VNPOST…), tăng 2,23 lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo đánh giá của Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công trực tuyến của Hải Phòng có tỷ lệ giải quyết đúng hạn cao nhất toàn quốc (hơn 98%).

Trong năm 2023, toàn thành phố cũng hoàn thành đưa vào khai thác mới 121 trạm BTS công nghệ 4G, đưa tổng số trạm BTS lên 2.442 trạm… bảo đảm cho 100% số dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 được thực hiện và số hồ sơ được xử lý trực tuyến tăng từ 20% năm 2021 lên hơn 60% năm 2022 và đạt 90,7% trong năm 2023. Ðồng thời, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên địa bàn cũng đã chiếm đến 50%... Các cơ quan Ðảng, Nhà nước và các cán bộ, công chức trên địa bàn đã bảo đảm 100% được trang bị máy tính kết nối mạng LAN, internet… trong thực hiện công việc.

Trong đó, thành phố đã hoàn thành kết nối kênh truyền số liệu chuyên dùng tới 251/253 hệ thống hội nghị truyền hình từ thành phố kết nối đến 100% các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, mạng internet băng thông rộng cáp quang được phát triển rộng khắp đến 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố…

Ðồng thời, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn Hải Phòng vừa phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả với doanh thu tăng từ 10-12% so cùng kỳ, vừa bảo đảm an toàn mạng lưới, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ các cơ quan Ðảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó siêu bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng năm 2023… Hạ tầng phát triển đã góp phần bảo đảm 100% các cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã trên địa bàn thực hiện tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử, 100% văn bản được gửi trên môi trường mạng…

Hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan đến đông đảo người dân, doanh nghiệp được triển khai trên môi trường điện tử nhằm tạo thuận lợi và thông thoáng như: thủ tục Hải quan điện tử với hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia với thời gian tiếp nhận, thông quan hàng hóa đối với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1-3 giây; cấp phép đầu tư; cấp phép thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp; cấp điện, cấp nước sạch cho người dân và doanh nghiệp; cấp đổi giấy phép lái xe; triển khai phần mềm quản lý tài nguyên đất đai kết nối với Cổng thông tin đất đai, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin giám định Bảo hiểm xã hội… Cùng với đó, công nghệ, dịch vụ 5G, IOT, phục vụ hoạt động cảng biển, logistics đang được triển khai thí điểm tại cảng Tân Vũ, Ðình Vũ và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực…

Bằng sự quyết liệt trong chỉ đạo và nỗ lực trong tổ chức thực hiện, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn Hải Phòng có những chuyển biến tích cực. Ðặc biệt, tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GDP ước đạt 24,5%, đứng thứ tư cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ hai và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố được xếp thứ ba trong 63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) xếp thứ 10 trong các địa phương; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc top 15 tỉnh, thành phố cả nước...

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, một số nhiệm vụ cụ thể trong chương trình chuyển đổi số của Hải Phòng vẫn chưa đạt như kỳ vọng như: SOC, kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Ðiều đó đặt ra cho các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong tiến trình xây dựng Hải Phòng trở thành hình mẫu của các địa phương trong công cuộc chuyển đổi số trên cả nước.