Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch ven biển Bắc Bộ

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa bàn chủ trương và định hướng về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch vùng ven biển Bắc Bộ. Trong đó, một số khu vực trọng điểm sẽ phát triển du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế.

Đảo Cát Bà là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch khi đến Hải Phòng. Ảnh Báo Hải Phòng
Đảo Cát Bà là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch khi đến Hải Phòng. Ảnh Báo Hải Phòng

Theo đó, Hải Phòng tập trung xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và từng bước đưa thành phố trở thành trọng điểm du lịch quốc gia; phát triển du lịch kết hợp với giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự xã hội.

Phấn đấu đến năm 2020, lượng khách tăng trung bình 8,2%/năm, tổng doanh thu du lịch tăng trung bình 8,9%/năm… Trong đó, Hải Phòng ưu tiên phát triển khu vực quần đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, xây dựng đảo xanh, văn minh, sinh thái với mục tiêu quản lý thống nhất một đầu mối, tránh tác động nhiều đến thiên nhiên...

Hải Phòng bổ sung hai nhóm giải pháp đột phá trong phát triển du lịch gồm: Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển du lịch, vai trò nòng cốt của Sở Du lịch trong quảng bá du lịch, kết nối các nhà đầu tư chiến lược; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đồng thời, thành phố xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch; ưu tiên cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn năm sao và khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế…

* Sơn La khai thác tiềm năng vùng hồ các thủy điện

Một trong bảy chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh Sơn La thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 là khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội vùng hồ thủy điện trên địa bàn. Hiện nay tỉnh Sơn La có 28 hồ thủy điện, nằm trên địa bàn tám huyện, 46 xã, 329 bản, với tiềm năng khá lớn, trong đó ba hồ thủy điện lớn, gồm hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Nậm Chiến, với diện tích mặt hồ khoảng 20.900 ha. Tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng đánh bắt thủy sản, giao thông vận tải thủy, môi trường rừng và phát triển du lịch dịch vụ.

Để khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện, tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế lòng hồ thủy điện, nhất là hồ thủy điện Sơn La. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 thông qua đề án về cơ chế, chính sách khai thác phát triển kinh tế - xã hội các thủy điện trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề án đến năm 2020 là đưa kinh tế vùng lòng hồ thủy điện dọc sông Đà phát triển vững chắc, trình độ phát triển khá, nâng cao một bước đời sống nhân dân. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh mới đầu tư vào khu vực này khoảng 4.958 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020 sẽ huy động khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó chủ yếu huy động các nguồn lực xã hội tham gia.

Hiện tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh tuyên truyền về tiềm năng, các cơ chế chính sách của tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội vùng các hồ thủy điện, đề ra các giải pháp thiết thực, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng hồ tích cực tham gia, tạo sự đột phá mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.