Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, “Ngọn đuốc soi đường” là hoạt động thiết thực của đội ngũ văn nghệ sĩ diễn viên thành phố Cảng mong muốn được lan tỏa dấu ấn, giá trị lịch sử của bản Đề cương văn hóa thông qua ngôn ngữ nghệ thuật tới đông đảo quần chúng nhân dân.
Các tiết mục được dàn dựng công phu, với âm thanh, ánh sáng sôi động, tiết tấu rộn ràng, bừng bừng khí thế cách mạng và thể hiện rõ tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các tiết mục đều thể hiện tư tưởng "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". |
Chương trình gồm 3 chương, chương 1 với chủ đề: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” thể hiện hoàn cảnh ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và vai trò to lớn đối với công cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến, với thành công của Cách Mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...
Chương 2 “Văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa” với các tiết mục hát múa: “Lửa Cát Bi”, “Xa khơi”, “Bài ca thống nhất”… thể hiện sứ mệnh soi đường của văn hóa trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ….
Chương trình nghệ thuật hấp dẫn và lôi cuốn người xem. |
Chương 3 “Hải Phòng, tương lai rạng rỡ” với các tiết mục: “Thành phố chúng ta, nhà máy chúng ta”, “Đón bình minh”, “Bài ca Văn hóa Việt Nam - Tỏa sáng miền cửa biển”… phản ánh sinh động những giá trị to lớn và lâu dài của Đề cương văn hóa năm 1943 với công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển mạnh mẽ và vững chắc thành phố Cảng và đất nước hướng tới tương lai tươi sáng…
Cách đây 80 năm, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, thể hiện tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa nước nhà.
Sự ra đời của Đề cương văn hóa đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Đến nay, Đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng ta vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.