Dự và tham luận tại Hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, xác định di sản là thế mạnh của Ninh Bình trong phát triển kinh tế-xã hội, nhiều năm trở lại đây, Ninh Bình đã coi trọng, đầu tư các nguồn lực cho văn hóa, chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít mâu thuẫn, xung đột, đòi hỏi các cấp chính quyền phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong vùng, trong nước, quốc tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội.
Tại phiên khai mạc, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chia sẻ, việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội không mới nhưng lại rất khó, cần phải di tích hóa các phế tích.
Đồng chí nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội từ phương diện quản trị vùng và địa phương có ý nghĩa quan trọng khơi dậy, phát huy nguồn sức mạnh mềm, hoán chuyển các tài nguyên di sản văn hóa thành những nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Hải Yến) |
Tham luận tại Hội thảo, TS Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những điểm tốt của Ninh Bình là mô hình trong quản trị vùng và địa phương, Ninh Bình hôm nay là bảo tàng về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và xã hội.
TS Phùng Quốc Hiển đề xuất 4 vấn đề cần quan tâm: các di sản văn hóa cần được quy hoạch tổng thể; phải bố trí nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; làm tốt công tác quản trị vùng, huy động sự vào cuộc của người dân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hoàn thiện, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa phù hợp với thực tiễn.
Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở quản trị vùng, liên vùng và địa phương, định hướng và tư vấn chính sách cho công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình một cách bền vững trong thời gian tới.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, Việt Nam đã có sự nghiên cứu chuyên sâu về các di sản văn hóa, là kinh nghiệm để nâng cao ý thức bảo tồn, bảo vệ di sản.
Bên cạnh đó, các đại biểu nêu ra một số gợi mở như: cần quan tâm đến cơ sở pháp lý để cải tạo, phục dựng di sản; trong phát triển du lịch cần chú ý bảo vệ di sản; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng cường số hóa hoạt động quản lý di sản…
Hội thảo không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề hiện thời của mối quan hệ này trong trước mắt, mà là cơ sở quan trọng để giải quyết những vấn đề mang tính căn cơ, lâu dài, đặt nền tảng cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.