Hải hành cùng tàu kiểm ngư KN390

Giữa Biển Đông trong đêm hè, gió lộng, khơi xa thăm thẳm. Vậy mà có lúc, đèn thuyền câu mực của ngư dân ta sáng rực cả một vùng. Trên boong tàu kiểm ngư số hiệu KN390, các cán bộ, nhân viên tàu lặng lẽ quan sát chung quanh, ca trực này nối tiếp ca trực khác cho đến khi mặt trời mọc, ngày mới của biển cả lại bắt đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Kíp trực đài chỉ huy tàu kiểm ngư KN390 làm nhiệm vụ trên hành trình ra Trường Sa.
Kíp trực đài chỉ huy tàu kiểm ngư KN390 làm nhiệm vụ trên hành trình ra Trường Sa.

Ra khơi trên con tàu tuần tra xa bờ hiện đại vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm tự hào của lực lượng kiểm ngư, góp phần thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Kiểm ngư vươn khơi

Sáng tinh mơ trên bến cảng thành phố Đà Nẵng, đoàn công tác số 5 bắt đầu hành trình ra thăm quần đảo Trường Sa với rất nhiều mong ngóng, nhất là khi nhiều đại biểu lần đầu bước lên tàu kiểm ngư KN390. Ai cũng xúc động khi ngắm nhìn hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trang trọng trên tháp chỉ huy, nổi bật giữa thân tàu trắng dài tới hơn 90m.

Lúc này, lực lượng kiểm ngư với trang phục mầu ghi sẫm quen thuộc: Người dưới bờ niềm nở hỗ trợ đại biểu, người trên tàu tập trung xử lý thao tác chuẩn bị khởi hành đúng quy định.

Bước lên KN390, người lạ dễ bị lạc giữa những dãy cầu thang lên xuống nhiều tầng tàu, qua khu lưu trú ở các khu vực đã phân cấp cho đại biểu, cán bộ, nhân viên… Ít phút sau, loạt còi vang to liên hồi từ hàng dài tàu đang nằm cảng, cất lên trang trọng chào KN390 rời bến. Trên các vị trí thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên tàu KN390 đứng nghiêm, giơ tay chào cảng, bắt đầu một hành trình quen thuộc để đến với Trường Sa.

KN390 được bàn giao và đưa vào vận hành năm 2016, có lượng giãn nước 2.500 tấn. Tàu có nhiệm vụ tuần tra xa bờ đa năng, góp phần thực thi pháp luật; tham gia cứu hộ, cứu nạn, tuyên truyền ngư dân vươn khơi đúng quy định; phát hiện, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, bảo đảm chủ quyền hàng hải.

Để vận hành con tàu lớn và hiện đại như KN390 không hề dễ dàng. Hầu hết cán bộ, nhân viên phải tuân thủ kỷ luật, được đào tạo chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm đi biển. Ấy vậy, người đầu tiên chúng tôi gặp trên KN390 lần này lại là một nhân viên trẻ tên Hoàng, người gốc Đà Nẵng. Chàng trai ở tuổi đôi mươi mới có vài chuyến ra khơi trong màu áo kiểm ngư. Ca trực sáng nay, anh phải đứng cạnh boong chỉ huy để quan sát tứ phía, phát hiện chướng ngại vật khi tàu bắt đầu rời cảng.

Hoàng không khéo trả lời, nhưng rất hay cười và tập trung vào công việc ngay khi vừa dứt câu. Bí thư Chi bộ Tàu KN390 Hồ Minh Biên (quê Nghệ An) cho biết: “Ngoài những người dày dạn thì không ít người mới bắt đầu sự nghiệp kiểm ngư trên KN390, thậm chí còn có trường hợp… vẫn say sóng. Chúng tôi luôn chia sẻ những kinh nghiệm của người đi trước để các đồng đội đúc kết, làm sao hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”.

KN390 được bàn giao và đưa vào vận hành năm 2016, có lượng giãn nước 2.500 tấn. Tàu có nhiệm vụ tuần tra xa bờ đa năng, góp phần thực thi pháp luật; tham gia cứu hộ, cứu nạn, tuyên truyền ngư dân vươn khơi đúng quy định; phát hiện, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, bảo đảm chủ quyền hàng hải. Bên cạnh đó, hằng năm, KN390 còn có nhiệm vụ đưa các đoàn đại biểu ra thăm đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Trên hải trình lần này, tàu có tổ điều hành chung tất cả hoạt động gồm chỉ huy tàu và trưởng, phó trưởng các đoàn công tác. Kíp trực đài chỉ huy có 9 người với 3 ca trực/ngày, trong đó có chỉ huy, điều hành tàu và tổ lái. Các tổ hậu cần gồm tổ bếp (khoảng 25 người) phục vụ đủ 4 bữa ăn/ngày; tổ buồng bàn bảo đảm khu vực ăn uống, chỗ ngủ nghỉ, vệ sinh; tổ y tế tăng cường theo đoàn…

Mặc dù phân định là vậy, nhưng với việc trên tàu đồng thời có hàng trăm đại biểu cùng lúc thì đôi khi, tổ này phải sẵn sàng trợ lực tổ khác. Anh Hồ Xuân Lê, thuộc ngành cơ điện, tham gia vận hành phòng máy ở tầng hầm, giờ cao điểm cũng phải “ngoi lên” giúp tổ hậu cần hỗ trợ đại biểu. Anh Lê hào hứng kể: “Trong các hành trình đưa đại biểu ra thăm đảo thì không tránh được các phát sinh cục bộ cho nên hầu hết nhân viên trên tàu đều nỗ lực giúp đỡ nhau. Tất nhiên, nhiệm vụ chính được giao vẫn phải ưu tiên bảo đảm”.

Vận hành nhiệm vụ tàu KN390 có nhiều ngành, trong đó ngành cơ điện được coi là trọng yếu. Điện trưởng Hồ Quý với 35 năm kinh nghiệm đi biển, đã trải qua nhiều đời tàu xa bờ. Năm 2025 tới, chú Quý đến tuổi nghỉ hưu nhưng công việc trong những chuyến hải hành cuối của sự nghiệp vẫn được thực hiện đầy trách nhiệm. Bất kỳ trong đêm khuya hay giữa trưa nắng, nếu sự cố điện phát sinh, ngành điện lập tức có người theo dõi, phát hiện và bằng mọi cách xử lý triệt để.

“Tàu KN390 rất hiện đại cho nên hệ thống điện được thiết kế phân lập. Hỏng phần nào chỉ ảnh hưởng phần đó, tập trung sửa dứt điểm là xong. Tuy nhiên, đi kèm với đó là buộc bộ phận cơ điện phải có kiến thức chuyên sâu cũng như kinh nghiệm để xử lý các tình huống”, Điện trưởng Hồ Quý cho biết. Cứ vậy, các bộ phận, các ngành trên tàu thực hiện nhuần nhuyễn nhiệm vụ một cách đồng bộ, đúng nguyên tắc bởi thiết kế của KN390 có tầm hoạt động liên tục lên đến 5.000 hải lý, không thể để bất kỳ sai sót nào xảy ra trong những hành trình dài ngày giữa biển khơi.

Hải hành cùng tàu kiểm ngư KN390 ảnh 1

Kíp trực KN390 trong hầm máy đang theo dõi các thiết bị điện tử tối tân trong quá trình vận hành tàu.

Con tàu không ngủ

Đêm đến giữa trùng dương, các kíp trực KN390 giống như những “mắt tàu” không ngủ, lặng lẽ quan sát tứ bề: Lúc thì xa xa chân trời tối đen như mực, lúc thì tàu câu mực của ngư dân ta với dàn đèn công suất lớn, cùng nhau tạo nên một vùng sáng rực trong đêm… Gió mùa về, trên boong tàu lác đác có đại biểu chống chọi được cơn say sóng, cùng nhau đứng ngắm nhìn trời biển bao la của quê hương.

Có nhóm còn tụ hội… câu cá đêm biển động, chốc chốc lại có tiếng hò reo khi cá cắn câu. Những lúc này, nhân viên thông tin của tàu là anh Nguyễn Ngọc Sơn không mất tập trung, cần mẫn bảo đảm liên lạc từ trung tâm chỉ huy với đất liền. Bốn năm gắn bó với KN390, anh Sơn luôn coi tàu là nhà, biển cả là quê hương, và mỗi lần hỗ trợ đoàn đại biểu ra thăm Trường Sa vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là niềm vui đón khách của lực lượng kiểm ngư.

Khuya tới cũng là thời điểm mà bộ phận y tế tăng cường theo tàu khá vất vả khi thường xuyên phải xử lý những trường hợp bị say sóng, những đại biểu sốt vi-rút, những đau bụng… đột ngột. Bác sĩ Hoàng Minh Phúc cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là bảo đảm sức khỏe cho người trên tàu. Bên cạnh đó còn phải kiểm tra an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng dịch… trong mỗi chuyến đi kéo dài nhiều ngày”.

Bác sĩ trên KN390 làm việc bất kể giờ giấc. Đêm trên tàu có thể rất dài với họ bởi thường xuyên phải khám, xử lý các tình huống say sóng, bệnh lý huyết áp… Việc thấy họ bơ phờ sau một đêm “trực chiến” không có gì lạ trong suốt hành trình nhiều ngày đến với Trường Sa. Thức ngày, cày đêm là cụm từ mà đại biểu đoàn công tác đùa “trêu” các bác sĩ, cũng là để chia sẻ, động viên với nhiệm vụ quan trọng mà họ phải đảm trách.

Dưới hầm máy “không nhiệm vụ cấm vào” của KN390, đêm xuống là một sự tương phản dữ dội về âm thanh so với các vị trí khác. Nếu như trên boong, các khu vực đại biểu nghỉ ngơi… khá yên ắng thì ở dưới vạch nước, tiếng ồn ã của hệ thống máy thường xuyên không dứt. Cán bộ phụ trách ở đây phải trực suốt 24 giờ mỗi ngày quanh những trang thiết bị điện tử tối tân. Đôi lúc, họ lại rời buồng điều khiển vào phòng máy kiểm tra, nếu không đeo thiết bị chống ồn thì ra ngoài cũng phải mất mấy phút để tai… bình ổn trở lại.

Điều đặc biệt là khi âm thanh của máy “ồn ổn định” thì kíp trực hầm máy… lại càng an tâm, bởi có nghĩa là hệ thống vận hành KN390 đang hoạt động bình thường. Anh Hoàng Anh Chiến, cử nhân ngành cơ khí động lực, cho biết: “Chúng tôi có nhiệm vụ vận hành hầm máy - trái tim của tàu, cho nên bắt buộc phải bảo đảm cho nhịp đập thông suốt, không thể gián đoạn”. Ở tầng dưới cùng ồn ã, nóng nực này, kíp trực hầm máy còn phải quan sát nhiều vị trí khác trên tàu qua hệ thống camera hiện đại để nhanh chóng phát hiện, xử lý các sự cố nếu có.

Kinh nghiệm của lực lượng kiểm ngư là giữa biển khơi thì không gì không thể xảy ra. Do đó, nhiệm vụ của họ là luôn tuân thủ nghiêm các chế độ trực, không chỉ để tàu di chuyển an toàn, đúng lộ trình mà còn phải xử lý nhiều tình huống có thể phát sinh, nhất là trong đêm tối. Thủy thủ trưởng KN390 Phan Hồng Trung kể: “KN390 như “con tàu không ngủ”. Nhờ đó, chúng tôi không ít lần phát hiện, xử lý các tình huống cần được cứu hộ, cứu nạn từ ngư dân ta, nhất là trong mùa mưa bão của miền trung.

Nhiều trường hợp xảy ra lúc thời tiết xấu giữa đêm khuya, anh em vẫn kịp thời huy động nhau hiệp đồng. Trong khó khăn mà tiếp cận và cứu hộ thành công thì dù đêm không ngủ, lòng vẫn thấy rất vui”. 28 năm gắn bó với nhiệm vụ trên biển, anh Trung giống nhiều đồng đội khác, phần lớn thời gian sống trên tàu, xa nhà, xa quê, xa vợ con…

Thuyền trưởng Hoàng Ngọc Chung chia sẻ: “Có trường hợp đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, bố mẹ mất, nhận tin buồn nhưng không thể về. Lúc đó, chỉ huy tàu và các đồng đội chỉ có thể thay nhau động viên, chia sẻ nỗi buồn và hỗ trợ làm lễ cúng truyền thống từ xa...”.

Theo vị thuyền trưởng trẻ tuổi, cán bộ, nhân viên KN390 một năm được nghỉ phép một lần để về nhà. Nếu tàu không có nhiệm vụ rời bờ thì có thể giải quyết cho mọi người tranh thủ về 30% quân số, trực 70%. “May mắn với anh em kiểm ngư hay các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển là hậu phương thấu hiểu, thủ trưởng quan tâm, là động lực lớn để mọi người hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Thủy thủ trưởng Phan Hồng Trung chia sẻ.

Trời đã tờ mờ sáng. Bình minh vàng óng nơi chân trời. Trên boong tàu, bộ phận điều hành ở trong và ngoài buồng chỉ huy vẫn giữ vững vị trí trực, bảo đảm “mắt tàu” sáng thông suốt, tiếp tục hải hành dài ngày giữa biển nhà. Ở ngư trường truyền thống trên Biển Đông, ngư dân ta vươn khơi đến đâu thì lực lượng kiểm ngư hiện diện đến đó. Giữa biển lớn, họ là điểm tựa nơi đầu sóng, song hành cùng nỗ lực của người Việt bao đời ra khơi, phát triển kinh tế biển, đồng thời kiên cường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.