Hải Dương đưa nước sạch về xã

Thực hiện xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch vùng nông thôn, đến nay, tỉnh Hải Dương có 67% số dân nông thôn với 206/229 xã được dùng nước sạch; phấn đấu cấp nước sạch đến các xã còn lại vào cuối năm nay.

Nhiều người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương đã được dùng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung.
Nhiều người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương đã được dùng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung.

Nhà nhà dùng nước sạch

Ấn tượng nhất khi về vùng nông thôn của tỉnh Hải Dương mới đây của chúng tôi là nhà nào cũng được dùng nước sạch. Vặn vòi nước máy rửa xong rổ cà chua, bác Hoàng Trọng Thông, ở thôn Hòa Ché, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang lại đấu ống dẫn rồi thao tác tưới lên luống rau trước nhà, đoạn phấn khởi: Trồng rau sạch, tưới nước sạch, ăn ngon miệng, mát ruột lại an toàn. Chung niềm vui, ông Lê Hoàng Hải ở vườn bên, góp chuyện: Nhớ việc phải nấu ăn bằng nước giếng khoan, nước mưa, mà tôi vẫn còn sợ. Hồi đó, có khi gia đình tôi khoan vài ba lần mới có nước, nước ít, lại nhiễm phèn, phải xây bể hứng nước mưa, làm bể lọc nhưng đồ đạc, áo quần vẫn vàng ố, chậu, thau như có lớp bùn khô láng chặt. Có nhà đành mua nước máy ở thành phố, cực lắm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Thắng Nguyễn Quang Quyết, nhờ có Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương, công sở, trường học, trạm y tế và 1.350/1.600 hộ trong xã đã được dùng nước sạch. Nhiều hộ sắm máy giặt, bình nước nóng, lắp vòi tắm hoa sen, bồn rửa,... cải thiện đời sống.

Xác định nước sạch là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, năm 2010, Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Nghị quyết số 15, phấn đấu đến hết năm 2013, sẽ có 93% số dân nông thôn trong tỉnh được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó 55% được dùng nước sạch; bình quân 97,1% số công trình công cộng, nhà trẻ, trạm y tế, trường học được sử dụng nước sạch. Làm thế nào để thực hiện được mục tiêu này trong khi ngân sách tỉnh có hạn, các doanh nghiệp không mặn mà, bởi địa bàn nông thôn rộng, dân cư thưa, không ít người dân vẫn quen dùng nước chưa hợp vệ sinh (nước giếng khoan, nước mưa sau lắng lọc). Bằng nhiều giải pháp, nhất là áp dụng chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng tham gia, Hải Dương đã xã hội hóa hiệu quả việc cấp nước sạch cho vùng nông thôn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết: Hiện 206/229 xã với 67% số dân nông thôn trong tỉnh được dùng nước sạch. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương cấp cho 64 xã, Công ty Cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn cấp cho 42 xã, các trạm cấp nước đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia cấp cho 63 xã, các doanh nghiệp tư nhân cấp cho 37 xã. Để khắc phục tình trạng nước mặt sông nội đồng bị ảnh hưởng do cạn kiệt và ô nhiễm, các doanh nghiệp đã chuyển đổi khai thác, thay thế việc nước sông nội đồng qua lấy từ các sông Thái Bình, sông Kinh Thày, sông Luộc... hoặc nâng cấp, hiện đại dây chuyền, công nghệ xử lý. Việc sản xuất nước sạch, lấy mẫu xét nghiệm,... đều có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Đến Cẩm Hoàng, xã xa nhất của huyện Cẩm Giàng, chúng tôi ngạc nhiên thấy nước sạch lên đến tầng hai của nhiều nhà mà không cần máy bơm đẩy. "Nước có 24/24, không cần xây bể chứa, không phải sắm máy và chi tiền điện, ống dẫn để bơm lên, là vui rồi", bác Tuyến, một người dân hồ hởi cho biết. Theo Giám đốc Công ty cổ phần điện nước Cẩm Hoàng Nguyễn Văn Mạnh, chín năm trước, xã này được đầu tư một trạm cấp nước lấy từ sông nội đồng, Công ty (lúc đó là HTX Điện Cẩm Hoàng) nhận lại của UBND xã để khai thác, phục vụ nhân dân, sau một năm thì nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Năm 2009, HTX chi gần hai tỷ đồng để khoan hai giếng 150 m và 200 m, lắp đặt ống dẫn nhưng cũng chỉ được vài tháng là nước nhiễm mặn. Hai năm trước, chúng tôi mua buôn nước sạch của Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương, nay cấp ổn định cho gần 2.000 hộ trong và ngoài xã, với giá 6.600 đồng/m 3nước sinh hoạt và 10.300 đồng/m 3nước sản xuất.

Quản lý, vận hành khoa học

Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương đang quản lý 26 nhà máy và trạm phục vụ cấp nước 24/24 cho hơn 71 nghìn hộ dân ở 51 xã thuộc 11 huyện trong tỉnh (chiếm tới hơn 53% tổng số hộ dân nông thôn của tỉnh được dùng nước sạch). Tham quan Nhà máy sản xuất nước sạch Việt Hòa của công ty, chúng tôi được Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước số 1 Nguyễn Văn Phụng cho biết: Từ năm ngoái, sau khi cải tạo, nâng sản lượng cấp nước của Nhà máy từ 10.200 m3 /ngày đêm lên hơn 30.000 m 3/ngày đêm, Xí nghiệp không những bảo đảm cấp nước cho cư dân phía tây thành phố Hải Dương mà còn chủ động cấp thường xuyên cho hầu hết các xã của huyện Bình Giang và Cẩm Giàng, cấp đến một số khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Được biết, năm 2010, sau khi tham gia nghiên cứu, xây dựng quy hoạch cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh, công ty tập trung hoàn thành các dự án ORET, WB; cải tạo, nâng công suất cấp nước lên gấp ba, bốn lần ở những nhà máy hiện có; xây dựng các nhà máy tập trung có công suất lớn; lấy nước nguồn từ các sông có trữ lượng dồi dào, tốc độ dòng chảy cao để sản xuất. Đồng thời nâng cấp các trạm cấp nước công suất nhỏ thành những trạm bơm tăng áp, lắp đặt hệ thống truyền tải liên vùng, đấu nối bán buôn nước sạch về khu vực nông thôn theo "chuỗi". Nhờ đó việc phục vụ nước sản xuất, mở rộng dịch vụ cấp nước trên địa bàn nông thôn của Hải Dương ngày càng được tốt hơn. Chỉ vào màn hình máy vi-tính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương Nguyễn Viết Đoàn giới thiệu: Công ty đã tự nghiên cứu và ứng dụng thành công việc quản trị tự động hoàn toàn hệ thống cấp nước. Nhờ việc lắp các van thông minh tại các nhánh đầu nguồn, chúng tôi luôn cập nhật chính xác các thông tin về lưu lượng, áp lực và chất lượng nước ở từng vị trí, từ đó kịp thời điều chỉnh cấp nước từng nơi, bảo đảm phù hợp, đồng đều. Được biết, ứng dụng này đã được chia sẻ với nhiều đơn vị, bởi tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, quản lý, bảo đảm an toàn đường ống, chất lượng nước thương phẩm và uy tín với khách hàng.

Hiện nay, tỉnh còn 23 xã chưa có nước sạch, trong đó 18 xã đang được trung tâm, các đơn vị lập dự án, thi công; năm xã chưa có chủ trương đầu tư. Mong rằng trong thời gian tới tỉnh Hải Dương xem xét, hỗ trợ, góp phần hiện thực sớm việc cấp nước sạch đến các xã còn lại.