Sau nhiều năm đầu tư từ ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng mở rộng, không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống.
Chỉ tính riêng phong trào thể dục-thể thao, Hải Dương là địa phương có tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thường xuyên khá cao với hàng nghìn câu lạc bộ, nhóm tập luyện. Về xây dựng nếp sống văn hóa, tỉnh đang triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử văn minh nơi công cộng, nhằm định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia hoạt động tại khu vực công cộng.
Theo Trưởng phòng Quản lý văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương) Bùi Thị Ánh Ngọc, cùng với việc tạo các mô hình điểm thực hiện bộ tiêu chí nêu trên gắn với xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, các cấp chính quyền và đoàn thể cũng đẩy mạnh tuyên truyền triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng và đầu tư cùng những chương trình cụ thể trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương, nhất là Chương trình số 22-Ctr/TU về phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương ngày 19/8/2021, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa và phát huy giá trị văn hóa xứ Đông, xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển đã được nâng cao; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Bước đầu, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã có thành tựu, tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, không ngừng cải thiện cuộc sống và thu nhập của nhân dân...
Tuy có nhiều mặt tích cực, nhưng quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 22-Ctr/TU và cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Hải Dương cũng còn những hạn chế. Kết quả thực hiện chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; thiếu các mô hình, điển hình tiêu biểu trong các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, khu dân cư văn hóa... Việc thực hiện phương thức xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.