Hai bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp được phẫu thuật thành công

NDO -

NDĐT – Sinh non ở tuần 37, chỉ nặng 1,7kg và mắc bệnh lý hiếm gặp tới năm tổn thương tim bẩm sinh, cháu bé Nguyễn Trọng P. đã được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiến hành phẫu thuật thành công, mang lại sự sống tuyệt vời cho cháu bé.

Cháu bé Trương Ngọc Linh C. sẽ được ra viện chiều nay.
Cháu bé Trương Ngọc Linh C. sẽ được ra viện chiều nay.

Hai lần sảy thai, một lần đứng giữa cửa sinh tử

Ở độ tuổi 40, sau hai lần sẩy thai, rất khó khăn chị Nguyễn Thị Th. mới có cơ hội mang bầu trọn vẹn khi có cháu Nguyễn Trọng P.. Tuy nhiên, ngay từ khi còn trong bào thai, cháu bé đã bị suy dinh dưỡng.

Sinh non ở tuần 37 và chỉ nặng 1,7kg, bé ra đời với 5 tổn thương tim gồm chuyển gốc động mạch; hẹp rất nặng đường ra của tâm thất trái; thông liên thất lỗ lớn; ống động mạch mở nhưng không có khả năng trao đổi oxy; vách liên nhĩ bị gần như đóng kín, không có khả năng trộng máu.

Vừa chào đời, bé P. đã bị tím tái, bão hòa ô xy chỉ khoảng 15-20% (bình thường là 95%), xuất hiện tình trạng sốc tim và được chuyển ngay sang Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương để thở máy. Dù được hồi sức tích cực, toàn trạng của cháu bé vẫn rất nặng, bão hòa ô xy của cháu chỉ lên được 25%.

TS, BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, Trung tâm đã phẫu thuật thành công cho gần 400 trường hợp bệnh tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, nhưng đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất và phối hợp 5 tổn thương tim khiến cả ê kíp vô cùng khó khăn khi đưa ra hướng điều trị cho cháu.

Xác định đây là một trong những trường hợp phẫu thuật phức tạp nhất từ trước đến nay tại Trung tâm Tim mạch, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật chuyển lại hai động mạch chủ và động mạch phổi; cố gắng giải phóng hết tắc nghẽn trên đường thoát của tâm thất bằng cách cắt bỏ toàn bộ tổ chức gây hẹp đường ra của tâm thất trái. Đồng thời, vách liên nhĩ được mở rộng và động mạch phổi được siết lại tạm thời để hạn chế suy tim, bảo đảm đủ máu nuôi cho cơ thể cháu bé, tránh phù phổi và suy tim sau mổ.

“Khó nhất trong ca phẫu thuật là phải chuyển lại vị trí động mạch vành. Chúng tôi phải dùng kính lúp phóng đại 4 lần mới tiến hành chuyển được. Đồng thời, phải tính toán làm sao khi quay ngược động mạch vành theo chiều 180 độ, không làm xoắn vặn gốc động mạch vành” – bác sĩ Trường cho biết.

Sau 10 giờ cân não trên bàn mổ, tình trạng cháu tương đối ổn định và được chuyển sang hồi sức. Ca mổ diễn ra cách đây một tuần và chỉ sau hai ngày, bệnh nhi được rút nội khí quản, giờ có thể tự thở và bắt đầu ăn được với số lượng ít.

Không khỏi nghẹn ngào sau khi con mình được cứu sống khỏi cửa tử thần, chị Nguyễn Thị Th. chia sẻ, cả gia đình rất khó khăn mới có được cháu P. sau hai lần bị sẩy thai. Dù tình trạng bệnh của cháu còn phải theo dõi, nhưng với tất cả tài năng và y đức của bác sĩ, tận tình cứu chữa cho con mình sau ca phẫu thuật xử lý đa tổn thương tim, chị thấy mình như được hồi sinh thêm một lần nữa.

Xử lý toàn bộ tổn thương trong tim khi mới một tháng tuổi

Bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường chưa hết hồi hộp nói về bệnh nhi Trương Ngọc Linh C. (sinh ngày 31-5-2017) – cháu bé bị mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, thông liên thất lớn kèm theo teo động mạch phổi đã được xử trí kịp thời và sẽ được ra viện chiều nay, 14-6.

Hai bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp được phẫu thuật thành công ảnh 1

TS, BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương)

Cháu L. nhập viện khi mới 20 ngày tuổi, cân nặng chỉ 2.2kg, với tình trạng nguy kịch tính mạng, không có động mạch phổi. Toàn bộ máu lên động mạch phổi của bệnh nhi này được cấp bởi ống động mạch nhưng ống động mạch đang nhỏ lại, có nguy cơ gây ra đột tử bất kỳ lúc nào.

Các bác sĩ phải dùng thuốc duy trì ống động mạch, tăng lượng máu lên phổi, làm bão hòa ô xy đủ tốt để duy trì sức khỏe và cố gắng nuôi dưỡng cho cháu có thể tăng cân, cố gắng đến thời điểm vàng theo y văn quốc tế là từ 3 đến 6 tháng sẽ tiến hành mổ.

Tuy nhiên, nhận định tình trạng nguy hiểm của cháu bé, các bác sĩ đã tích cực điều trị. Khi cháu hơn một tháng tuổi, mặc dù cân nặng mới chỉ được 3,2 kg, tình trạng thiếu ô xy của cháu dần trở nên nặng nề, không có sự lựa chọn nào khác, các bác sĩ quyết định phải tiến hành phẫu thuật sửa toàn bộ các tổn thương trong tim cho cháu trong một lần mổ, vì hiện tại Việt Nam không có ống nối mạch máu đường kính nhỏ (3mm) để có thể kéo dài thời gian chờ đợi phẫu thuật sửa toàn bộ khi cân nặng lớn hơn.

May mắn cho trường hợp bệnh nhi này là động mạch phổi ở phía bên nhánh của cháu bé còn hợp lưu lại với nhau và có thể nối động mạch phổi vào tâm thất phải bằng ống nối.

Sau 7 giờ đồng hồ liên tục bên bàn mổ, bác sĩ Trường cho hay, cháu bé sơ sinh này tình trạng mô và tổ chức còn mỏng, rất dễ bị đứt hoặc bị xé trong quá trình khâu nối. Do đó, các bác sĩ phải tiến hành khâu rất cẩn thận, vá lỗ thông liên thất, mở tâm thất phải để đưa ống nối lên, nối máu từ tâm thất phải lên động mạch phổi. Sau phẫu thuật, cơ bản quả tim của bệnh nhi hoạt động như bình thường và có khả năng lớn như người bình thường.

Khó khăn nối tiếp khó khăn, sau mổ hai ngày, cháu bé bị phù phổi, máu tràn vào đường thở. Mọi chỉ số sinh tồn tụt xuống rất nhanh, bão hòa ô xy xuống thấp, huyết áp tụt, phổi gần như không trao đổi khí. Duy trì bằng thở máy cũng không kiểm soát được khả năng trao đổi khí ở phổi của bệnh nhân, nên các bác sĩ quyết định phải sử dụng phương pháp ECMO (sử dụng màng trao đổi ô xy ngoài cơ thể) nhằm hỗ trợ cho cả tim và phổi của bé.

“Cháu bé có sức bền thành mạch kém, cân nặng thấp nên gặp biến chứng sau mổ. Bằng mọi quyết tâm phải cứu cháu bé, chúng tôi phải đặt động mạch cạnh, tĩnh mạch cạnh. Có lúc phổi và huyết động xấu, chúng tôi phải bóp tim ngoài lồng ngực, bóp bóng hỗ trợ suốt lúc đặt. Sau hai tiếng dùng phương pháp ECMO, huyết động cháu bé giữ ổn định” – bác sĩ Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức Tim mạch chia sẻ.

Sau những lần khiến cả ê kíp bác sĩ cân não khi cứu cháu bằng mọi biện pháp, bệnh nhi C. may mắn không bị bội nhiễm thêm, ngày thứ ba sau mổ tình hình phổi của cháu đã được cải thiện, huyết áp tốt dần, phổi có thể trao đổi khí. Ngày thứ bảy sau mổ, phổi cháu bé cải thiện hoàn toàn, tim hoạt động giống như bình thường nên các bác sĩ quyết định rút máy ECMO cho cháu. Cháu bé được rút nội khí quản và tự thở tốt sau đó hai ngày. Kết quả siêu âm tim cho thấy chức năng tim tương đối tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, cháu bé sẽ phải phẫu thuật để thay động mạch phổi để dùng vật liệu nhân tạo phù hợp với sự phát triển của cháu bé.

“Sửa hết toàn bộ các tổn thương trong tim với một cháu bé chỉ hơn một tháng tuổi là một chiến lược rất áp lực với chúng tôi. Tuy nhiên, so với các Trung tâm Tim mạch lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, chiến lược của chúng tôi trong việc xử trí ca bệnh này tương đối giống và đã được áp dụng thành công” – bác sĩ Trường bày tỏ.

Không giấu được hạnh phúc sau khóe mắt còn ngân ngấn nước, vợ chồng anh chị Trương Văn Th., Nguyễn Thị Kiều O. (Tuyên Quang) xúc động nói “Có lúc cảm giác không cứu được cháu, gia đình vô cùng tuyệt vọng. Nhưng với sự tậm tân cứu chữa của các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương, con của chúng tôi đã được hồi sinh thêm lần nữa và khỏe mạnh như hôm nay. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước tài năng và y đức của các bác sĩ”.

Nhiều năm qua, Trung tâm Tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã phẫu thuật thành công cho rất nhiều ca bệnh tim phức tạp, mắc nhiều tổn thương tim bẩm sinh phối hợp. Hai ca bệnh vừa được phẫu thuật thành công, một lần nữa khẳng định được tay nghề, y đức và sự tận tâm của các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch trẻ em.

Tỷ lệ mắc tim bẩm sinh tại Việt Nam hiện nay là khoảng 0,8-1% tỷ lệ trẻ sơ sinh. Và trong đó, có 1-2% bệnh nhi mắc bệnh lý chuyển gốc động mạch.

Bệnh lý này có thể tầm soát từ trong bào thai. Tuy nhiên, không phải bác sĩ nào giỏi về siêu âm hình thái cũng phát hiện được. Theo bác sĩ Trường, ngay cả các nước có nền y học tiên tiến như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hay bỏ sót hoặc không có chẩn đoán trước sinh bệnh lý này. Nếu không có tổn thương nào khác, việc phát hiện bệnh chuyển gốc động mạch rất khó.

Bác sĩ Trường khuyến cáo, trong tháng đầu tiên, cha mẹ nhận thấy con có dấu hiệu tím, thở nhanh (kể cả khi không bú, không vận động thể lực); vã mồ hôi nhiều… cần đưa con đến cơ sở y tế để khám sàng lọc tim bẩm sinh. Những trẻ ở tháng đầu không biểu hiện, nhưng 2, 3 tháng sau, tốc độ tăng cân chậm lại hoặc không tăng cân là dấu hiệu có khả năng bị suy tim.