Hạ thấp độ cao một ngọn đồi ở Quảng Bình để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở

NDO - Chiều 24/10, Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, để phòng, chống sạt lở tại khu dân cư ngay dưới chân đồi Hạ Vàng, thị trấn Phong Nha, huyện quyết định thực hiện phương án xử lý hạ thấp độ cao ngọn đồi.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đồi Hạ Vàng ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Một góc đồi Hạ Vàng ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Đồi Hạ Vàng thuộc tổ dân phố Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch là một trong những điểm có nguy cơ sạt lở cao nhất ở tỉnh Quảng Bình. Phía dưới đồi Hạ Vàng hiện có 36 hộ, với 144 nhân khẩu đang sinh sống. Mái nhà ở của các hộ dân vừa thấp, vừa sát dưới chân đồi nếu chẳng may xảy ra sạt lở, cả quả đồi sẽ trùm lên, gây thiệt hại nặng.

Mùa lũ lụt hằng năm, huyện Bố Trạch đều chỉ đạo chính quyền thị trấn đặc biệt quan tâm, di dời số hộ dân nơi đây đến nơi an toàn mỗi khi có mưa lớn nhiều ngày.

Để hạn chế nguy cơ sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch thực hiện phương án xử lý hạ thấp độ cao đồi Hạ Vàng theo hình thức xã hội hóa trong thời gian 24 tháng, bắt đầu từ cuối năm 2022.

Diện tích khu vực thực hiện phương án là 33.586 m2; khối lượng đất đào 451.537m2, trong đó khối lượng lớp phong hóa để lại là 23.510m3, khối lượng tận thu hơn 428.000m3. Sau khi đồi được hạ độ cao theo đúng thiết kế, đơn vị thực hiện sẽ hoàn thổ lớp đất phong hóa bề mặt để phục vụ trồng cây.

Công trình hiện đang trong quá trình thực hiện nên vẫn có khả năng sạt lở cao, nhất là khi có mưa lớn kéo dài. Thị trấn Phong Nha đã chủ động phương án di dời người dân ở khu vực này trong các đợt mưa lớn vừa qua.

Hạ thấp độ cao một ngọn đồi ở Quảng Bình để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng (áo xanh) kiểm tra khu vực hạ thấp độ cao đồi Hạ Vàng để ngăn ngừa sạt lở.

Trong chuyến kiểm tra thực địa tại khu vực hạ thấp độ cao đồi Hạ Vàng để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở vào tuần trước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã chỉ đạo thị trấn Phong Nha phải theo dõi sát tình hình thực tế, diễn biến của thời tiết, ứng trực thường xuyên để triển khai ngay phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa lớn.

Khi di dời cần quán triệt không được để bất cứ người dân nào ở lại khu vực có nguy cơ sạt lở, nếu cần thiết, phải tổ chức cưỡng chế để bảo đảm tính mạng cho người dân.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình cho biết, từ chiều tối 23/10 đến nay, khu vực Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi hơn 170mm.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình có văn bản yêu cầu các các địa phương, lực lượng chức năng chủ động kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng phó với lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.

Đặc biệt, các địa phương lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi phòng không xã Đức Hóa, tiểu khu 5 và 8 thị trấn Quy Đạt, bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, đồi Hạ Vàng ở thị trấn Phong Nha...bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, đồi Hạ Vàng ở thị trấn Phong Nha...