Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2021-2022, quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục mở rộng và phát triển, toàn thành phố có 2.820 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với gần 2,2 triệu học sinh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 76,9%.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường, phát triển cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm đồng bộ về cơ cấu. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chức danh nghề nghiệp được chú trọng, tập trung vào nâng chuẩn về trình độ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ đồng thời với bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Công tác đổi mới hoạt động dạy học có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở, đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học bước đầu có kết quả tốt.
Với những nỗ lực không ngừng, trong năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chất lượng; giành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, là địa phương có số thí sinh đạt nhiều giải nhất cả nước. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số điểm 10.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô. Đồng thời nhấn mạnh vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhiều nhà giáo đã vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường ngày để luôn tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” của Thủ đô và đất nước.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị ngành giáo dục và đào tạo khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập cho học sinh, đặc biệt chú trọng thiết kế chương trình giáo dục phù hợp với môi trường số hóa; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn.
Trong những năm tới, thành phố tiếp tục xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Mục tiêu đó đã và đang được thành phố chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục và đào tạo phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có những chính sách đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Tại lễ tuyên dương, 33 nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô đã được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”; 40 nhà giáo được trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Nhiều tập thể và cá nhân được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Chính phủ, thành phố.
Cũng tại buổi lễ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã trao tặng 400 máy tính cho 8 huyện có học sinh khó khăn gồm: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa và Mỹ Đức.