Hà Nội thực hiện sáu giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

NDO -

Đây là thông tin được đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND thành phố Hà Nội cho biết tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, diễn ra sáng 21-8.

Thi công tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm - dự án đầu tư công trọng điểm của TP Hà Nội. Đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành công trình trong tháng 10-2020.
Thi công tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm - dự án đầu tư công trọng điểm của TP Hà Nội. Đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành công trình trong tháng 10-2020.

Thời gian qua, với quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc trách rà soát, đánh giá thu, chi ngân sách đầu tư; phối hợp làm việc với các bộ, ban, ngành T.Ư để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp đi kiểm tra các công trình trọng điểm của thành phố. Đến nay, thành phố đã giải ngân được 49,6% trong tổng vốn đầu tư công 40.671,4 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch năm 2020. Sắp tới, vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thành phố sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, công trình mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long… Với khối lượng nghiệm thu thanh toán các công trình trên, dự kiến, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 53%.  

Với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020, thành phố đề ra sáu giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tới.

Thứ nhất, thành phố sẽ rà soát các nguồn vốn, thực hiện nghiêm Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29-5-2020 tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thứ hai, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Thứ ba, cuối tháng 8-2020, thành phố sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Thứ tư, thành phố sẽ thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng; trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc.

Thứ năm, triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó có một số nội dung có hiệu lực từ ngày 15-8-2020 để bảo đảm các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn.

Thứ sáu, xây dựng phương án điều hòa vốn, kiên quyết chuyển nguồn vốn sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn đối với những công trình làm chậm, những công trình có khối lượng, khả năng thanh toán không kịp.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm hướng dẫn về giải phóng mặt bằng theo hướng rút gọn; Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vay vốn nước ngoài theo điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sớm thực hiện thủ tục điều chỉnh, phê duyệt tổng mức đầu tư.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm chuẩn bị các nội dung ký hợp đồng vay bổ sung 20 triệu euro tạm ứng gói thầu số 9 của đoạn đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ sớm hướng dẫn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.