Hà Nội tập trung thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Đây là những yêu cầu trong Kế hoạch mới được ban hành của UBND thành phố Hà Nội về công tác thanh tra năm 2021.

Một buổi tiếp dân của Ban Tiếp công dân thành phố.
Một buổi tiếp dân của Ban Tiếp công dân thành phố.

Kế hoạch nêu rõ, hoạt động của các cơ quan Thanh tra thành phố Hà Nội cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp bối cảnh hiện nay; bám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, ngành; đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh tra. Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đầu tư mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên khoáng sản...

UBND thành phố yêu cầu các cơ quan Thanh tra thành phố thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

Các cơ quan Thanh tra thành phố thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành...

UBND thành phố yêu cầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan Thanh tra thành phố thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình của các cơ quan trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng. Các cấp, ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.