Hà Nội tập trung bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường

Ngày 23-6, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2017 nhằm quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; tình hình, kết quả đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh trật tự đô thị trên địa bàn thành phố sáu tháng đầu năm. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 09/CT-TU ngày 1-9-2016, công tác cấp sổ đỏ trên địa bàn thành phố đạt kết quả cao. Đến nay, thành phố đã cấp sổ đỏ cho hơn 1 triệu 312 nghìn thửa đất trên tổng số hơn 1 triệu 355 nghìn thửa đất đã kê khai, đủ điều kiện cấp sổ đỏ, đạt hơn 97%; cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu gần 190 nghìn trên tổng số hơn 196 nghìn thửa, đạt hơn 95%. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh trật tự đô thị trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, tái diễn lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán, môi trường ô nhiễm, vi phạm trật tự xây dựng, nhất là trên đất nông nghiệp chưa được xử lý triệt để. Hiện trạng môi trường của thành phố ở cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn, nguồn nước các dòng sông bị ô nhiễm nặng. Công tác xử lý rác thải còn nhiều hạn chế.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương kết quả các địa phương đạt được trong công tác cấp sổ đỏ. Về công tác bảo vệ môi trường, đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Ngày 31-5-2017, Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cần xác định nhiệm vụ bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường là nhiệm vụ cấp bách, là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội và mỗi công dân Thủ đô. Từng cấp ủy cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, tập trung bảo vệ nguồn nước, quản lý các nguồn xả thải, chất thải rắn, kiểm soát phương tiện giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Phân công rõ trách nhiệm, tránh đùn đẩy, né tránh trong công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa môi trường.