Hà Nội "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"

Đêm 19-12-1946, pháo đài Láng nã những loạt đạn đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trong 60 ngày đêm khói lửa, quân và dân Hà Nội đã góp phần làm tiêu hao sinh lực, giữ chân đội quân tinh nhuệ của Pháp trong thời gian dài gấp đôi so với dự kiến, để quân và dân cả nước có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ...

70 năm sau những ngày tháng lịch sử mùa đông năm 1946, chúng tôi được gặp và trò chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến giai đoạn 1946 - 1948. Ông là một trong số ít những nhân chứng của Ủy ban Kháng chiến còn sống đến ngày hôm nay, được chứng kiến các hoạt động dịp lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Bảy thập niên trôi qua, nhưng trong hồi ức của vị cán bộ lão thành cách mạng vẫn còn nguyên những kỷ niệm về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ông kể lại: “Những ngày Hà Nội chuẩn bị kháng chiến, Bác Hồ có cho gọi tôi đến để báo cáo tình hình chuẩn bị của Hà Nội. Đến nơi tôi đã thấy các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái và Trường Chinh ở đó. Bác hỏi: Các chú thấy tình hình quân Pháp thế nào? Nếu nổ ra chiến tranh liệu chúng ta có thể giữ được bao lâu? Phải cố giữ một thời gian để có thì giờ các tỉnh tổ chức, động viên quần chúng có kế hoạch đi vào cuộc kháng chiến. Anh Giáp, tôi và anh Hoàng Văn Thái đều nhất trí báo cáo với Bác: Tinh thần hăng hái quyết chiến của nhân dân Thủ đô rất cao, xin hứa với Bác là chúng ta có thể giữ Thủ đô được một tháng. Bác động viên chúng tôi: Dựa vào lực lượng nhân dân thì các chú có thể làm tốt”.

Từ tháng 11-1946, quân Pháp đã gây sự hòng chiếm các vị trí chiến lược để có thể chủ động tiến công quân ta ở Hà Nội. Quân Pháp có các loại vũ khí lớn nhỏ, các phương tiện thông tin hơn hẳn ta. Chúng đã vạch kế hoạch đánh chiếm Hà Nội chỉ trong 24 giờ. Bộ đội và cả tự vệ và thanh niên xung phong có chừng mười nghìn người, nhưng không được trang bị vũ khí, chưa qua tập luyện quân sự. Bù lại, lực lượng của ta có tinh thần rất cao. Nội thành Hà Nội khi đó gồm 17 khu phố được chia thành ba Liên khu 1, 2, 3. Theo kế hoạch “trùng độc chiến” hay còn gọi là “trong đánh ngoài vây”, trong nội thành ba liên khu phối hợp đánh vào các căn cứ của địch, mỗi phố đều làm công sự bằng mọi vật liệu sẵn có. Chiến hào được đào ngang các con phố quân Pháp sẽ đánh qua. Chiến lũy được dựng lên bằng cả những đồ quý trong nhà. Ở ngoại thành, đồng bào thực hiện “vườn không nhà trống” đi tản cư. Các đường ra ngoại thành đào hào chữ chi, chữ I, chữ T. Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, Hà Nội đã phát huy tốt sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các lực lượng tham gia kháng chiến.

Đầu năm 1947, mặt trận Hà Nội đã nhanh chóng sắp xếp lại lực lượng, tổ chức lại chỉ huy chiến đấu cho phù hợp tình hình và nhiệm vụ mới. Tại Liên khu 1 đã thống nhất các lực lượng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, tự vệ để thành lập Trung đoàn Liên khu 1. Lực lượng Vệ quốc đoàn chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội lúc này cũng đã tăng lên bảy tiểu đoàn. Cùng với lực lượng do Thành ủy, Ủy ban Kháng chiến và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội tổ chức, tại Hà Nội lúc này còn có các đội tải thương, tiếp tế do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Các liên khu đều tổ chức được các trạm cứu thương, trạm thu dung. Một bệnh xá 50 giường đã được triển khai ở phố Hàng Buồm. Các bệnh viện dân y thì chuyển về Văn Điển, Cự Đà, Khúc Thủy dựa vào nhà dân để chuẩn bị tiếp nhận thương binh từ nội thành ra. Đồng thời tổ chức lực lượng tiếp tế, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men và tổ chức cất giấu ở những nơi bí mật. Các lực lượng này cùng với Vệ quốc đoàn và lực lượng vũ trang Thủ đô tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc tiến công của quân địch, kìm hãm, giam chân địch ở chiến trường Hà Nội.

Cả nước nhìn về cuộc chiến đấu giam chân địch ở Hà Nội để tích cực chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Thủ đô mịt mù khói lửa suốt 60 ngày đêm. Chiến đấu, giữ từng góc nhà, từng đường phố, kìm chân địch bằng mọi vũ khí có trong tay, các chiến sĩ quyết tử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bác Hồ và Trung ương Đảng tin tưởng giao phó, để Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Qua chiến đấu, lực lượng vũ trang Thủ đô không những được bảo toàn, mà còn tiếp tục phát triển, từ năm tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc mới nổ súng, sau hơn hai tháng đã xây dựng thành ba trung đoàn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhắc và nhớ về chiến công này đầy xúc động: Đây là bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại, chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội.

Vị tướng già gắn bó với Thủ đô, Trung tướng Chu Duy Kính hồi tưởng: Mùa đông năm 1946, tôi mới là một cậu bé liên lạc, anh em hay gọi là Hải “cóc”, nghe Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, chúng tôi một lòng đi theo, nhiều lúc hăng lên chỉ muốn xông ngay ra mặt trận. Đêm 19-12, tôi đang ở Ngã Tư Sở, đại bác từ pháo đài Láng bắn sáng rực trời. Biết rằng chiến đấu chống Pháp khó khăn gian khổ, nhưng chúng tôi tin tưởng nhất định sẽ thắng lợi. Và lịch sử đã chứng minh, mục tiêu của chúng tôi đã trở thành hiện thực, đất nước độc lập, chúng tôi đã trở về và Thủ đô thân yêu ngày nay đang trở thành trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước, một đô thị lớn hiện đại của Đông - Nam Á.

60 ngày đêm chiến đấu giam chân địch trong lòng Hà Nội đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất tử. Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và huy động sức dân từ thực tiễn của Hà Nội những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và là động lực để Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.