Hà Nội: Phụ huynh ủng hộ kiểm tra cuối kỳ theo hình thức trực tuyến

NDO -

Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy đa số các ý kiến phụ huynh bậc tiểu học của Hà Nội ủng hộ phương án thi trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nên tổ chức kiểm tra cuối kỳ theo hình thức trực tuyến đối với bậc tiểu học để đảm bảo an toàn cho các em trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp là ý kiến của nhiều phụ huynh tại Hà Nội.

Học trực tuyến, nên thi trực tuyến

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với công tác tổ chức kiểm tra cuối học kỳ một đối với bậc tiểu học, các trường căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để linh hoạt quyết định hình thức kiểm tra cuối kỳ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường có thể bảo đảm các điều kiện an toàn và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, có sự phê duyệt của cấp quản lý trực tiếp, thì có thể tổ chức cho học sinh đến trường làm bài kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tiếp.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học tiểu học, nhất là phụ huynh các khối lớp 1, 2 bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án thi trực tuyến.

Chị Cao Thuỳ Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay việc thi trực tuyến đã được Hà Nội triển khai trong đợt kiểm tra cuối năm học 2020-2021. Từ đầu năm học tới nay học sinh học trực tuyến, kiểm tra giữa kỳ cũng theo hình thức trực tuyến. “Vì thế, phụ huynh và học sinh đã quen với việc thi online và sẽ không có khó khăn gì trong việc tổ chức thi cuối kỳ một theo hình thức trực tuyến,” chị Hương chia sẻ.

Đây cũng là quan điểm của anh Vũ Trường Quân (huyện Thanh Trì, Hà Nội.) Có con gái năm nay học lớp 2, anh Quân cho hay việc trực tuyến tất nhiên không thể bảo đảm chất lượng bằng học trực tiếp, tuy nhiên đây là điều không ai mong muốn và là cách duy nhất để trẻ có thể tiếp tục việc học trong bối cảnh dịch bệnh. “Quan trọng nhất không phải là bài kiểm tra mà là quá trình học. Nếu phải học trực tuyến để phòng dịch thì việc đến trường chỉ để kiểm tra là không cần thiết,” anh Quân nói.

Trong khi đó, theo chia sẻ của anh Phạm Trung Kiên (quận Hoàng Mai, Hà Nội,) phụ huynh trong lớp anh đã thực hiện khảo sát và kết quả sơ bộ cho thấy, tất cả các ý kiến phản hồi đều đồng ý với việc thi trực tuyến.

Tương tự, chị Phạm Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết ngay trong sáng nay, giáo viên chủ nhiệm đã lập khảo sát ý kiến phụ huynh qua nhóm Zalo để lấy ý kiến phụ huynh về việc kiểm tra cuối kỳ theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến. “Kết quả khảo sát của lớp con tôi là 100% ý kiến phụ huynh đồng ý thi trực tuyến,” chị Hương cho hay.

Bảo đảm an toàn tối đa cho học sinh

Lý giải về việc lựa chọn hình thức thi trực tuyến, chị Hương cho hay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp nên sự lo lắng của phụ huynh là chính đáng. Trong những ngày qua, Hà Nội liên tục lập đỉnh mới sau mỗi ngày về số ca dương tính và luôn dẫn đầu về số ca nhiễm mới của cả nước. Theo công bố của Bộ Y tế, số ca nhiễm mới của Thủ đô ngày 19/12 là 1.400 ca thì ngày 20/12 đã lên 1.641 ca, ngày 23/12 là 1765 ca và ngày hôm qua, 24/12 là 1834 ca. Trong đó, số ca cộng đồng cũng ở mức cao với khoảng 600 đến 700 ca mỗi ngày.

“Học sinh tiểu học chưa được tiêm vaccine nên nguy cơ cao hơn, các con lại còn quá nhỏ nên ý thức phòng dịch hạn chế. Vì thế, tôi không ủng hộ việc thi trực tuyến, kể cả với phương án chia nhỏ số học sinh mỗi lớp,” anh Hương nói.

Điều quan trọng trên hết là bảo đảm an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh cũng là chia sẻ của chị Chu Hồng Kiều, phụ huynh Trường Tiểu học FPT. “Tôi cho rằng việc thi trực tiếp là không cần thiết, nhất là với bậc tiểu học, trong bối cảnh dịch bệnh của Thủ đô đang quá phức tạp như hiện nay. Điều tôi quan tâm và lo lắng nhất khi học trực tuyến là việc kiến thức không được bảo đảm như học trực tiếp, con ở nhà nhiều dễ bị ức chế tinh thần. Vì thế, phụ huynh mong chờ nhất là tình hình dịch được kiểm soát để học sinh có thể sớm trở lại trường chứ không phải là điểm số,” chị Kiều nói.

Đây cũng là quan điểm của anh Vũ Trường Quân. Theo anh Quân, mục đích của việc kiểm tra là đánh giá được năng lực của học sinh, kết quả giảng dạy sau nửa năm học để từ đó giáo viên có phương hướng, kế hoạch học tập phù hợp trong học kỳ 2.

“Tuy nhiên, theo tôi, điều này các giáo viên hoàn toàn có thể nắm rõ trong quá trình dạy, không phải chỉ qua một điểm số thi. Vì thế, việc học sinh phải đến trường chỉ để làm một bài kiểm tra là không nhất thiết. Đây không chỉ là ý kiến của tôi mà của rất nhiều phụ huynh,” anh Quân nói.