Hà Nội nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

Sau 10 năm thực hiện với cách làm chủ động, quyết liệt, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường công tác xây dựng Ðảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội" đã giúp doanh nghiệp không chỉ trụ vững qua những giai đoạn khó khăn, mà còn phát triển mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội tặng hoa và biểu trưng cho các chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU. (Ảnh LƯƠNG TOÀN)
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội tặng hoa và biểu trưng cho các chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU. (Ảnh LƯƠNG TOÀN)

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thanh Minh cho biết, Nghị quyết số 09-NQ/TU được ban hành vào thời điểm kinh tế Hà Nội và cả nước, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rất khó khăn. Với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể và thu được những kết quả tích cực, đi đầu cả nước về công tác xây dựng Ðảng, các đoàn thể nhân dân trong loại hình doanh nghiệp này.

Chọn việc khó, việc mới

Khi Nghị quyết 09 mới ra đời, nhiều doanh nghiệp, thậm chí không ít cấp ủy còn băn khoăn về tính khả thi, khó đi vào cuộc sống. Bởi lẽ giữa giai đoạn kinh tế khó khăn, việc tập trung duy trì sản xuất, kinh doanh cũng đủ khiến doanh nghiệp "toát mồ hôi" rồi, bộ máy càng tinh gọn càng tốt, lấy đâu ra thời gian cho công tác đảng, đoàn thể. Nhưng bằng tầm nhìn, cùng cách làm bài bản, quyết liệt của Thành ủy Hà Nội, từ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể đến từng cấp ủy trực thuộc, Nghị quyết đã nhanh chóng tạo được chuyển biến. Một số cấp ủy sau thời gian "khởi động" ì ạch bị Ban Chỉ đạo của thành phố "điểm danh", đã thay đổi phương thức, sâu sát cùng cơ sở, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để chủ doanh nghiệp và người lao động thấy rõ lợi ích khi có tổ chức đảng, đoàn thể, từ đó tự nguyện hưởng ứng, tham gia tốt hơn.

Bắt đầu từ khâu tuyên truyền, các cấp ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của chủ doanh nghiệp - những đối tượng lâu nay vẫn "lấn cấn" xem vào Ðảng được gì, mất gì, để họ tự nguyện tham gia. Ðối với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, hằng năm các cấp ủy đã rà soát, nắm chắc số đảng viên làm việc ổn định trong doanh nghiệp, nhưng sinh hoạt Ðảng nơi khác để yêu cầu chuyển về sinh hoạt trong doanh nghiệp. Mặt khác, cấp ủy chủ động thành lập các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp làm cơ sở bồi dưỡng, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng phát triển Ðảng. Thậm chí nhiều cấp ủy còn cử đảng viên đang công tác tại các ban Ðảng của các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy khối xuống sinh hoạt tại doanh nghiệp để giúp thành lập chi bộ ở những nơi chưa có đủ số lượng đảng viên theo quy định.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, việc thành lập được tổ chức đảng trong các doanh nghiệp đã đòi hỏi cách làm kiên trì, bền bỉ, nhưng việc duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng còn khó hơn. Ðể khắc phục tình trạng này, huyện đã vận động, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho chi ủy, nhất là bí thư các chi bộ về chức năng, nhiệm vụ tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ðống Ða, Nguyễn Anh Cường chia sẻ: "Lãnh đạo quận xác định việc phát triển Ðảng không chỉ là thành lập, kết nạp mới cho đủ chỉ tiêu, quan trọng là phải duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động cho các tổ chức cơ sở đảng". Ðể làm được điều đó, Quận ủy không "khoán trắng" việc này cho Ðảng ủy Khối doanh nghiệp, mà Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy cùng tích cực tuyên truyền, vận động, theo dõi, bồi dưỡng từng chi bộ để đổi mới nội dung, phương thức phù hợp với hoạt động các doanh nghiệp. Nhờ đó, Nghị quyết đã đi vào đời sống của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động

Theo số liệu của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, tính đến tháng 9/2022, thành phố Hà Nội có 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập (thực tế có khoảng 185.000 doanh nghiệp đang hoạt động), trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn). Từ khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU đến nay, Ðảng bộ thành phố Hà Nội đã thành lập được 1.711 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân; thành lập được 7.067 tổ chức Công đoàn và Ðoàn Thanh niên, kết nạp được 483.837 đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, mà chất lượng hoạt động từ công tác xây dựng Ðảng đến các đoàn thể cũng được nâng lên, trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp phát triển hiệu quả.

Ðiều này thể hiện rõ trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều cấp ủy đã thích ứng linh hoạt, chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục và đạt mục tiêu kết nạp đảng viên và thành lập mới tổ chức đảng. Không những vậy, công tác Ðảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tiếp tục chú trọng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, qua đó góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Sơn Ðông Á, Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: "Việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên còn là một sự đầu tư có chiều sâu, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững".

Những kết quả, kinh nghiệm vừa qua là nền tảng quan trọng cho các cấp ủy thời gian tới. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở cơ sở cho thấy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng. Trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của một số chi bộ còn chưa thật sự đổi mới, đa dạng trong cách thức tuyên truyền, quán triệt. Công tác tuyên truyền, vận động và khảo sát thành lập tổ chức đảng còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, chủ doanh nghiệp còn e ngại việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Một số bí thư chi bộ không phải chủ doanh nghiệp, cho nên việc triển khai các nhiệm vụ công tác Ðảng gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị còn gặp khó khăn. Việc khảo sát, thành lập mới các chi bộ và phát triển Ðảng trong các doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc do nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua cũng khiến một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động.

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác phát triển Ðảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến số lượng trong khu vực này còn hạn chế. Số doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có tổ chức đảng mới chỉ chiếm 9,2% số doanh nghiệp đang hoạt động. Tại nhiều doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, việc duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gặp không ít khó khăn. "Tuy nhiên, càng khó thì chúng ta càng phải làm tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn, đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên, liên tục của các địa phương", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Ðồng chí cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường đối thoại, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân. Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 09-NQ/TU, nhất là quan điểm của Ðảng về kinh tế tư nhân, việc xây dựng các tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân khu vực ngoài Nhà nước trong toàn xã hội; đồng thời, không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền với cách thức và hình thức mới phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, các cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. "Chúng ta không phải bằng mọi giá thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, mà phải chú trọng đến chất lượng tổ chức đảng ở loại hình doanh nghiệp này, cũng chính là để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.