Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, đến thời điểm này, thành phố cơ bản khống chế được dịch bệnh, việc cung ứng hàng hóa cũng không gặp nhiều khó khăn. Các tỉnh phía bắc có dịch nhưng chưa lây lan mạnh, cho nên sản xuất vẫn đáp ứng được nhu cầu. Một số nhà máy sản xuất, chế biến còn chưa hết công suất.
Tuy nhiên, hiện nay việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đòi hỏi yêu cầu xét nghiệm, làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp. Nguồn cung một số mặt hàng giảm và tăng giá do các đầu mối thu mua để cung ứng cho thị trường các tỉnh phía nam. Do đó, để có sự chủ động cao nhất với mọi tình huống, các đơn vị cần có kế hoạch, kịch bản sẵn sàng để không bị lúng túng, bị động khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu.
Đại diện các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đều cam kết tăng nguồn cung hàng hóa, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp, tăng cường kênh bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh khâu lưu thông để đủ hàng phục vụ nhu cầu nhân dân.
Tuy nhiên, các đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế xe chuyển hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên siêu thị… để không bị thiếu hụt nhân lực, đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa. Đồng thời, có sự hướng dẫn cụ thể, ưu tiên “luồng xanh” cho các xe vận chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, sở đang tính toán lên phương án sản xuất nông nghiệp trong các tháng cuối năm để phù hợp với tình hình, diễn biến dịch. Trong đó, tăng sản lượng các loại rau củ quả, gia súc, gia cầm… để có thể cơ bản đáp ứng nhu cầu tại chỗ, chủ động nguồn cung, không bị phụ thuộc quá nhiều vào các tỉnh, thành phố khác.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu sau cuộc họp này, các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để triển khai cụ thể phương án của từng đơn vị. Với ngành nông nghiệp, cần tính toán lộ trình diễn biến dịch bệnh và những tác động đến sản xuất, từ đó xây dựng, rà soát lại mùa vụ, sản phẩm để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp, nhất là với các loại rau, củ, quả, gia súc, gia cầm...
"Tất cả phải theo tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất", ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị xây dựng phương án "luồng xanh" cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc.
Sở Công thương rà soát toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.