Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã nhận được sự phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện nhiều nhiệm vụ công tác như xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; thu chi ngân sách; thu hút đầu tư; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp… Cụ thể, đối với công tác quản lý đầu tư, tổng mức kế hoạch vốn trung hạn của thành phố là hơn 107.303 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2020, Hà Nội sẽ giải ngân được 90.350 tỷ đồng (đạt 89,5% kế hoạch đã giao).
Những năm gần đây, Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Giai đoạn 2016-2020 (tính đến hết tháng 8-2020), thành phố đã thu hút mới hơn 25,5 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện trong kỳ đạt hơn 13,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp thu ngân sách đạt 3,416 tỷ USD; tạo việc làm cho hơn 310.370 lao động.
Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên các lĩnh vực về công tác quy hoạch; liên kết, phát triển vùng; trong tham vấn, đề xuất xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Thành phố nêu bốn nhóm kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao gồm: Phối hợp các bộ tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội lên hơn mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ thành phố trong việc chuẩn bị hồ sơ, thẩm định, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư hai tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc).
Đồng thời, tổng hợp đề xuất Trung ương bố trí vốn cho dự án quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng mức đầu tư 8.713 tỷ đồng; hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các dự án quan trọng nhưng có quy mô lớn, vượt khả năng cân đối của thành phố như Dự án Xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; nâng cấp bệnh viện Xanh Pôn; xây dựng bệnh viện Tim Hà Nội - cơ sở 2 tại Thạch Thất; cải tạo lòng dẫn sông Đáy…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Hà Nội đã chủ động phối hợp các đơn vị của Bộ, đồng thời đánh giá cao những thành tựu, đóng góp của thành phố. Tuy nhiên, thành phố chưa khai thác hết những tiềm năng, cơ hội, chưa tạo ra những cú huých mang tính đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn; chưa có sản phẩm chủ lực, thương hiệu vượt trội để nâng cao năng lực cạnh tranh; hoạt động đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường… còn nhiều vấn đề đặt ra. Do đó, thành phố phải chủ động, đổi mới tư duy và có tầm nhìn chiến lược, nhất là trong công tác quy hoạch.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ lớn, giao UBND thành phố sớm thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông kết nối trên địa bàn và các địa phương xung quanh, xây dựng một số cây cầu bắc qua sông Hồng để tạo đột phá lớn về phát triển kinh tế. Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp, hỗ trợ thành phố thực hiện một số chương trình công tác lớn trong giai đoạn tới như: Đầu tư kết cấu hạ tầng; chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển các mô hình kinh tế đô thị; đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp…
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, trước mắt cần nghiên cứu thành lập tổ công tác chuyên về lĩnh vực này. Dự kiến trong khóa tới, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có nhiều nội dung thành phố rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả về xây dựng nội dung cũng như tổ chức thực hiện.